Cuộc chiến đòi quyền lợi khi qua cầu Bến Thủy và những đồng tiền lẻ

Cho rằng không sử dụng đường BOT mà vẫn phải “cõng phí”, người dân Hà Tĩnh, Nghệ An sống hai đầu cầu Bến Thủy 1 đã dùng những “chiêu thức” từ căng băng rôn, đến dùng tiền lẻ mua vé để gửi thông điệp phản đối.

4 tháng “diễu hành” đòi quyền lợi

"Cuộc chiến" phản đối trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 bắt đầu từ ngày 3/12/2016 của hàng trăm người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) tập trung tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1 mang băng rôn có nội dung “Chúng tôi không sử dụng BOT đường tránh thành phố Vinh, sao lại phải chịu phí khi qua cầu Bến Thuỷ 1" nhằm phản đối trạm thu phí.

Để phản đối trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, liên tiếp nhiều ngày nghỉ cuối tuần từ năm 2016 và đầu năm 2017, người dân Hà Tĩnh và Nghệ An đã căng băng rôn, dùng xe ôtô, căng rạp ở chân cầu Bến Thuỷ để phản đối.

Trước động thái này, vào ngày 24/12/2016, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo “có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm dành ưu tiên cho nhà đầu tư không đúng quy định, gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân".

cuoc chien doi quyen loi khi qua cau ben thuy va nhung dong tien le
Người dân tập trung tại cầu Bến Thủy 1 để phản đối trạm thu phí vào ngày 6/4

Sau khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng, vào ngày 10/3, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng Giám đốc Cienco 4 gửi văn bản đề nghị chính quyền 4 huyện của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hỗ trợ thống kê “những loại phương tiện của người dân không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT”, đồng thời yêu cầu người dân cam kết "không tham gia giao thông trên các tuyến của dự án BOT, nếu phát hiện thì Cienco 4 sẽ từ chối hỗ trợ".

Người dân địa phương Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An) đã phản ứng mạnh mẽ khi Cienco 4 ra văn bản “lạ” này. Ngay sau đó, Cienco 4 đã thu hồi văn bản với lý giải “có sơ suất trong khâu soạn thảo".

"Sáng kiến" từ những đồng tiền lẻ

Cho rằng Cienco 4 chậm trễ trong việc giải quyết những thắc mắc, người dân lại tiếp tục xuống đường diễu hành, với mong muốn đặt trạm thu phí BOT về đúng vị trí của nó.

Từ dùng ô tô dán băng rôn, khẩu hiệu tập trung đi chậm “diễu hành” vẫn không có kết quả. Vào ngày 2/4, một sáng kiến “lạ” được người dân sử dụng là dùng tiền lẻ với mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng để mua vé phí qua cầu nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của nhân viên các trạm, với "sáng kiến" này, giao thông qua tuyến đường này đã bị ách tắc.

Để khắc phục tình trạng này, phía trạm thu phí đã "miễn cưỡng" mở hết cổng, không thu phí cho các xe đi qua.

Chia sẻ về việc dùng tiển lẻ mua vé, chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1987), trú tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, sau nhiều lần phản đối, nhưng phía Cienco 4 vẫn không có động thái tích cực nào, chúng tôi đã cùng nhau bàn luận sử dụng tiền lẻ để mua vé nhằm phản đối trạm thu phí cầu Bến Thủy 1.

cuoc chien doi quyen loi khi qua cau ben thuy va nhung dong tien le
Để phản đối trạm thu phí, người dân gom tiền lẻ để mua vé

“Sau một thời gian phản đối, nhưng không thấy phía Cienco 4 có động thái gì nên chúng tôi đã hội họp, nghĩ cách dùng tiền lẻ để mua vé phí vừa không trái với pháp luật, vừa tạo áp lực để họ có cách giải quyết cho người dân. Để có thể có nhiều tiển lẻ vậy chúng tôi phải chạy ra các chợ, đi vào các nhà chùa để đổi tiền, mỗi người một ít nên góp lại thành nhiều như vậy”, chị Thảo cho biết.

Sau nhiều tháng đấu tranh đòi lại quyền lợi, anh Nguyễn Khánh Kiên, trú tại TP Vinh (Nghệ An) vui mừng khi biết tin miễn 100% giá vé phí qua cầu Bến Thủy 1 cho những người dân ở hai đầu cầu.

“Khi biết tin miễn phí 100% qua cầu, chúng tôi vui lắm, vui tới rơi nước mắt luôn vì những công sức anh chị em bỏ ra đã được đền đáp. Lúc đi đòi lại quyền lợi có nhiều người còn nói chúng tôi rảnh, dở hơi mới đi làm những việc đó, nhưng giờ những mong muốn đã được đáp trả thì chúng tôi rất vui mừng”, anh Kiên nói.

Để có thể kiếm được nhiều tiền lẻ như vây, nhiều người cũng phải nhờ anh em, bạn bè các nơi khác thu gom, đổi giúp, thậm chí còn phải tiền để mua số những tờ có mệnh giá nhỏ.

cuoc chien doi quyen loi khi qua cau ben thuy va nhung dong tien le
Người dân dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 ngày 2/4 (ảnh Hoài Nam).

“Tiền lẻ mà mệnh giá nhỏ thì rất hiếm, để kiếm được những mệnh giá nhỏ như vậy chúng tôi cũng phải nhờ các bạn bè nơi khác đổi giúp, thậm chí còn phải bỏ tiền ra mua họ mới bán cho nữa.

Trước khi đưa ra quyết định dùng tiền lẻ, chúng tôi đã họp bàn nhau rất kỹ lưỡng, sau đó thống nhất đi ra các chợ, vào ngân hàng, rồi đến các chùa để đổi tiền lẻ, rồi chia cho nhau để mua vé...”, một người dân khởi xướng việc dùng tiền lẻ để mua vé cho biết.

Một nhân viên bán vé tại trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 cho biết : "2 ngày người dân dùng tiền lẻ mua vé khiến cho chúng tôi kiểm đếm khó khăn. Trung bình 1 hành khách dùng tiền lẻ mua vé sẽ phải mất 5 phút đếm tiền nên rất khổ, giờ được miễn phí không chỉ người dân mà chúng tôi cũng rất vui mừng".

Được biết, cầu Bến Thuỷ 1 bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh được xây dựng năm 1990, dài 630 m. Năm 2012, cầu Bến Thủy 2 được xây dựng thêm song song và cách cầu cũ 800 m, nằm trên trục đường BOT tuyến tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng đoạn Nam Bến Thủy dài 35 km. Để hoàn vốn, nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần xây dựng giao thông Cienco 4 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đặt trạm thu phí ở đầu hai cầu Bến Thủy 1 và 2 phía tỉnh Nghệ An.

Ban đầu, giá vé qua cầu là 30.000 đồng mỗi lượt với các loại ôtô nhỏ. Tháng 1/2016, phí tăng lên 45.000 đến 60.000 đồng mỗi lượt rồi giảm xuống còn 40.000 đồng đến 55.000 đồng từ tháng 11. Đợt tăng phí tháng 1/2016, chi nhánh BOT Bến Thủy giảm giá cho người dân sống gần cầu thông qua hình thức vé tháng và quý, song vài tháng sau thì dừng hỗ trợ. Lúc này, người dân bắt đầu phản ánh việc không sử dụng đường BOT mà phải đóng phí quá cao đến các cơ quan chức năng.

chọn
Hai luật lớn về bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nửa năm.