Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các ứng dụng gọi xe đã đến hồi kết? (Ảnh: Tiền Phong).
Với cuộc cách mạng công nghệp 4.0 các thành phần kinh tế phi truyền thống thường được gọi bằng cái tên kinh tế chia sẻ như dịch vụ gọi xe, chia sẻ văn phòng, giúp việc nhà, sử dụng chung các thiết bị điện tử…từ lâu đã làm khó các nhà quản lí kinh tế tại Việt Nam vì thiếu cơ chế và định nghĩa đúng đắn.
Thế nhưng, mới đây với đề án "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam", do Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt đã công nhận: Kinh tế chia sẻ là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.
Với quan điểm cho rằng, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho các hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế, do đó các loại kinh tế chia sẻ cũng sẽ phải chịu những qui định ràng buộc của pháp luật như các hình thức kinh tế khác.
Bằng những nhận thức, đánh giá rõ ràng như thế, Việt Nam mong muốn tạo lập được một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.
Đề án này được đánh giá là vô cùng cần thiết và nhanh chóng trước những ồn ào xung quanh việc xung đột lợi ích giữa đại diện một bên là taxi truyền thống và một bên là các dịch vụ gọi xe như Grab hay Go-Việt.
Đây là một cơ chế để đánh giá và nhìn nhận đúng đắn các loại hình kinh doanh phi truyền thống, chấm dứt những tranh cãi xung quanh câu chuyện kinh doanh mà không đóng thuế hay cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng nền kinh tế.
Qua đó, chính phủ sẽ rà soát, bãi bỏ các qui định, điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho kinh tế chia sẻ.
Với tầm quan trọng của mình, Thủ tướng chính phủ đã giao các bộ, ngành triển khai thực hiện đề án. Trong đó, Bộ Tài Chính sẽ ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách thuế, cũng như quản lí thuế đối với hoạt động kinh doanh của các loại hình kinh tế chia sẻ.
Các tổ chức, công ty, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh theo hình thức kinh tế chia sẻ tại Việt Nam phải có trách nhiệm nộp thuế theo những qui định pháp luật của Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải sẽ điều chỉnh và bổ sung một số điều kiện cần thiết đối với loại hình kinh tế chia sẻ, điều phối các loại hình này theo những bộ luật giao thông đã có như luật giao thông đường bộ, luật giao thông đường thủy nội địa và luật hàng hải.
Chính phủ Việt Nam khẳng định, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số thế giới. Đồng thời sẽ tạo lập những cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển tại Việt Nam.
Với đề án này, nhiều người cho rằng cuộc chiến giữa taxi truyền thống và những ứng dụng gọi xe đã đi đến hồi kết khi các công ty cung ứng dịch vụ gọi xe cũng sẽ phải chịu quản lí như những loại hình kinh doanh khác của pháp luật Việt Nam.