Công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn đã kích hoạt một cuộc chiến mới trong thị trường ô tô. (Ảnh: Subaru quảng bá hệ thống EyeSight).
Sự trỗi dậy của công nghệ tránh va chạm đã đặt các nhà sản xuất ô tô và những cửa hàng sửa chữa ô tô vào thế đối đầu, nhằm quyết định ai sẽ thống trị thị trường phụ kiện ô tô và bộ phận thay thế trị giá 800 tỉ USD.
Các hệ thống ô tô ngày nay trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, bao gồm công nghệ hỗ trợ giữ làn đường, thắng tự động và dò điểm mù. Vì tính chất phức tạp này mà nhiều hãng sản xuất ô tô tuyên bố chỉ các bộ phận, phụ tùng thay thế và dịch vụ sửa chữa từ các đại lí ô tô chính hãng mới có thể đảm bảo an toàn cho xe.
Subaru, chẳng hạn, thông báo với khách hàng rằng bất cứ vấn đề gì gây ra do các bộ phận thay thế cho hệ thống EyeSight của họ đều không được bảo hành: “Hãy bảo vệ bản thân bạn và khoản đầu tư của bạn bằng cách giữ cho chiếc xe 100% Subaru”.
Không chỉ Subaru mà Nissan, Infiniti (nhãn xe hạng sang của Nissan) và Volvo cũng nói rằng, các bộ phận và dịch vụ sửa chữa từ các đại lí không phải chính hãng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo hành xe. Trong khi đó, một số công ty như GM và Honda nói rằng các bộ phận nguyên bản và dịch vụ sửa chữa, lắp đặt chính hãng rất quan trọng trong việc đảm bảo độ an toàn, nhưng lại không đưa ra các khuyến cáo về bảo hành như các công ty trên.
Những khuyến cáo từ các hãng ô tô đã vấp phải sự phản đối từ phía các nhà cung cấp và cửa hàng sửa chữa ô tô độc lập khi cho rằng họ có thể sản xuất các bộ phận và cung cấp dịch vụ sửa ô tô mà các tài xế chỉ cần trả một khoản chi phí nhỏ so với chi phí sửa tại cửa hàng chính hãng.
Lấy ví dụ tại Mỹ, nơi cuộc tranh chấp trên thị trường phụ tùng thay thế đang leo thang. Các nhà sản xuất bộ phận ô tô và các cửa hàng sửa chữa độc lập đã yêu cầu Ủy Ban Thương mại Liên bang (FTC) và các nhà làm luật phải can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những người trong ngành ô tô cho rằng mức độ phức tạp của công nghệ mới đã làm thay đổi cuộc chơi trong thị trường phụ tùng thay thế.
Auto Alliance, một tổ chức thương mại Mỹ đại diện cho các hãng ô tô, cho biết họ cung cấp chương trình đào tạo và thông tin cần thiết nhưng các cửa hàng thường thiếu nguồn lực và trình độ chuyên môn.
Dù ai đúng ai sai, sự trỗi dậy của các phần mềm lái xe tự động dự kiến sẽ định hình lại ngành phụ tùng và sửa chữa ô tô, trị giá 390 tỉ USD mỗi năm tại Mỹ và hơn gấp đôi con số đó trên phạm vị toàn cầu. Kẻ chiến thắng sẽ hưởng lợi từ cuộc cách mạng xe không người lái mà điểm nhấn là các hệ thống ADAS (hệ thống tiên tiến hỗ trợ người lái).
Hiện tại chỉ 10% ô tô trên các con đường ở Mỹ được trang bị ADAS, nhưng con số này dự kiến tăng nhanh khi các hãng xe cam kết trang bị cho gần như tất cả các chiếc xe mới hệ thống cảnh báo va chạm và thắng khẩn cấp tự động (chạy trong đô thị) vào năm 2020.
Chiếm lĩnh thị trường phụ tùng thay thế sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các hãng xe, trong bối cảnh họ đang đối mặt với doanh số bán giảm xuống. Nhưng điều này đe dọa sự sống còn của mạng lưới các cửa hàng độc lập mà thực hiện phần lớn các dịch vụ sửa chữa ở Mỹ và tuyển dụng hàng triệu lao động.
Các hệ thống hỗ trợ người lái mới bao gồm camera, các cảm biến radar và siêu âm được gắn vào các bộ phận như tấm chắn bùn, gương, kính chắn gió..., làm cho việc sửa xe thậm chí sau những vụ va chạm nhỏ trở nên phức tạp và tốn kém.
Edward Salamy, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Phụ tùng Ô tô, cho biết các nhà cung cấp độc lập có thể sản xuất các bộ phận ADAS chỉ bằng 25-50% giá của các hãng xe. Tuy nhiên, một số hãng xe khuyến cáo các phụ tùng rẻ hơn có thể dẫn đến rủi ro về an toàn. Họ nói rằng cảm biến phải được hiệu chuẩn, một quy trình đắt đỏ đòi hỏi phải có không gian, ánh sáng đúng và các công cụ dò quét được sản xuất bởi nhà sản xuất và phần mềm truy cập.
Các chuyên gia trong ngành nói rằng người tiêu dùng phần lớn không ý thức được rủi ro từ những dịch vụ sửa chữa không đúng cách.
Theo một cuộc khảo sát trên 500 người tiêu dùng từng cho sửa xe có trang bị ADAS trong suốt 2 năm qua, 15% nói rằng hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn của họ không được sửa đúng cách vì công nghệ không hoạt động hoặc vận hành sai, theo Kyle Schmitt, thuộc hãng nghiên cứu J.D. Power.
Cuộc kiểm tra của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), cũng cho thấy kính chắn gió không phải thay ở các cửa hàng chính hãng có thể khiến cho cảm biến hoạt động không đúng cách. Các tổ chức thương mại trong lĩnh vực phụ tùng thay thế cũng lo lắng về vấn đề an toàn, cho rằng các tài xế có thể trì hoãn việc đi sửa vì quá tốn kém (dù là cần thiết), trong khi các đại lí không đủ năng lực sửa chữa số lượng ngày càng nhiều các xe công nghệ được trang bị ADAS.
Một số công ty xem đây là cơ hội kinh doanh.
Những người chơi mới như Smart Express và asTech đã đầu tư vào các công cụ hiệu chuẩn và dò quét được sự phê duyệt của các nhà sản xuất và cung cấp những dịch vụ di động, điều phái nhân viên đến tận các cửa hàng sửa chữa ô tô.
Jeff Evanson, Giám đốc Hoạt động của Smart Express và cựu Phó Chủ tịch bộ phận quan hệ nhà đầu tư toàn cầu tại Tesla Inc., cho biết ông tin rằng các phụ kiện và công cụ thay thế sẽ không đạt được tiêu chuẩn về an toàn trong ngành xe không người lái ngày càng phức tạp.
“Mức độ phức tạp của các hệ thống này và rủi ro bị tin tặc tấn công có nghĩa là các hãng ô tô phải “khóa lại” các thông tin sửa chữa để đảm bảo an toàn và an ninh cho chiếc xe”, ông nói thêm.