'Cựu' đặc công đánh bầm dập nhóm đòi nợ thuê: Có phải là phòng vệ chính đáng?

Đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, người đòi nợ thuê phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được tùy tiện đến nhà "con nợ" để đòi nợ.

Liên quan đến vụ nhóm đòi nợ bị đánh bầm dập bởi "cựu" đặc công ở Quảng Ninh, ngày 9/4, đại diện Công an TX Đông Triều, Quảng Ninh cho biết vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đỗ Đức L. (SN 1974, trú xã Yên Thọ) để điều tra về hành vi hành hung người đòi nợ thuê vào ngày 6/4.

Theo tin tức đã đưa, ông L. có nợ của một người tên Thành (ở Mạo Khê, cùng thị xã Đông Triều) số tiền 400 triệu đồng nhưng nhiều năm nay chưa trả. Bức xúc, ông Thành đã thuê Công ty Hưng Thịnh (trụ sở TP HCM) đòi nợ.

Vào khoảng 10h sáng 6/4, một nhóm gồm 5 người người tự xưng là người thuộc Công ty Hưng Thịnh đến xưởng cơ khi của ông L. ở Yên Thọ đòi tiền.

Theo lời khai của ông L. tại cơ quan công an, khi nhóm người này đến nhà ông đòi nợ thì một người trong nhóm có hành vi túm cổ áo để tát B. (22 tuổi, con ông L.). Lúc này B. vùng ra và gọi bố mình ứng cứu.

Vốn là cựu đặc công nước, rất giỏi võ nên ông L. đã khiến nhóm người đi đòi nợ thuê phải ngã sấp ngã ngửa. Hai người trong nhóm của Công ty Hưng Thịnh may mắn chạy thoát thân được ra ngoài, còn lại ba người bị gia chủ đánh bầm dập, bò lê bò càng.

Sau khi hạ gục 3 người nói trên, gia đình "con nợ" còn bắt cả 3 phải nằm sấp dưới nền nhà xưởng để quay video, sau đó tung lên mạng xã hội.

Cựu đặc công đánh bầm dập nhóm đòi nợ thuê: Có phải là phòng vệ chính đáng? - Ảnh 1.

Nhóm ba người bị đánh khi đi đòi nợ thuê. (Ảnh: Cắt từ clip).

Thế nào thì được coi là phòng vệ chính đáng?

Đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đòi nợ thuê phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được tùy tiện đến nhà "con nợ" để đòi nợ.

Nếu nhóm người đòi nợ có hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, cưỡng bức, đánh đập hoặc hủy hoại tài sản thì "con nợ" có quyền bắt giữ để giao cho công an. Tuy nhiên việc bắt giữ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được áp dụng từ 1/1/2018 có quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Theo đó, ngoài hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Điều 136 bổ sung thêm hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Về hậu quả của hành vi, Khoản 1 Điều 136 đặt ra giới hạn tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% đến 60% cấu thành tội phạm cơ bản, khung hình phạt gồm phạt tiền từ 5 đến 20 triệu hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong khi đó, theo Khoản 2 và Khoản 3, nếu hậu quả từ 61% trở lên, gây ra với nhiều người và dẫn đến chết người thì tội phạm sẽ bị áp khung tăng nặng, mức phạt tù lên đến 3 năm.

Theo như lời khai của ông L., khi nhóm người này đến nhà ông đòi nợ thì một người trong nhóm có hành vi túm cổ áo để tát con trai ông L. Nếu hành vi của nhóm này chỉ dừng lại ở hành vi đó thì chưa thể xem xét việc ông L. là phòng vệ chính đáng.

Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:

- Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể.

Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).

- Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.

- Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Trong tình huống này, nếu hành vi của nhóm đòi nợ chỉ dừng lại ở việc túm cổ áo và tát. Sau đó, con trai ông L. thoát ra được và nhóm kia không có hành động gì thêm thì hành vi tấn công nhóm đòi nợ là vi phạm pháp luật.

Còn hành vi túm cổ con trai ông L. và kèm theo những lời đe dọa, cưỡng bức thì hành vi khống chế nhóm đòi nợ của ông L. sẽ được xem xét là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Hành vi đánh nhóm đòi nợ thuê sẽ bị xử lý thế nào?

Nếu nhóm đòi nợ thuê không có những hành vi kể trên mà "con nợ" bắt giữ họ để đánh đập thì có dấu hiệu vi phạm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật hoặc Cố ý gây thương tích. Cơ quan điều tra căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập sẽ có hình thức xử lý tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, đối với hành vi bắt người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt người khác) có hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay… (sau đó thường là người bị hại bị dẫn về nơi nhất định để tạm giữ hoặc tạm giam);

Đối với tội giữ (tạm giữ) người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc giữ người khác) có hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội (như bắt ở trong nhà, bắt ngồi tại chỗ…) trong một thời gian ngắn (thường là dưới 24 giờ).

Ngoài ra, nếu việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà có dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người bị hại thì người có hành vi nêu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm)…

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng sử dụng vũ khí, hung khí, vật liệu nổ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.