'Cựu' đặc công đánh bầm dập nhóm đòi nợ thuê: Đòi nợ sao cho đúng pháp luật?

Người cho vay có ba cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng. Theo đó người cho vay có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng hoặc thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay hoặc bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường.

Liên quan đến vụ con nợ đánh trọng thương nhóm người thuộc một công ty đòi nợ thuê ở TPHCM, Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đỗ Đức L. (SN 1974, ở Yên Thọ, thị xã Đông Triều) để điều tra.

Theo kết quả điều tra bước đầu, năm 2014, ông Nguyễn Văn L. có vay 400 triệu đồng của một người tên Thành ở thị trấn Mạo Khê, cùng thị xã Đông Triều. Sau nhiều lần đòi tiền không được, ông Thành đã ký hợp đồng với Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê Hưng Thịnh để đòi số tiền trên.

Ngày 6/4, nhóm người thuộc Công ty Hưng Thịnh đã đến nhà ông L. để đòi nợ, tuy nhiên quá trình đòi nợ đã xảy ra cãi cọ dẫn đến xô xát. 5 người của công ty đòi nợ thuê bị bố con ông L. đóng trái cửa rồi đánh tới tấp, 2 người trong số nhóm đòi nợ thuê may mắn chạy thoát. Vụ việc sau đó được chính con trai ông L. quay video rồi tung lên mạng xã hội.

Được biết, trước khi cử người đến địa bàn đòi nợ, phía Công ty Cổ phần dịch vụ Hưng Thịnh đã có thông báo gửi đến Công an xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều.

Từ sự việc trên, người cho vay cần làm gì để đòi nợ thế nào cho đúng luật?

Cựu đặc công đánh bầm dập nhóm đòi nợ thuê: Đòi nợ sao cho đúng pháp luật? - Ảnh 1.

3 người đi đòi nợ thuê bị đánh. (Ảnh cắt từ clip).

Hiện tại có ba cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng, theo đó người cho vay có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng; người cho vay thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay; người cho vay bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường.

Tự thu hồi khoản nợ

Nguyên tắc đòi nợ đúng luật mà người cho vay cần lưu ý là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không bắt giữ người vay trái pháp luật. Để buộc người vay trả tiền cho mình, người cho vay có thể khởi kiện tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Riêng trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì có thể bị xem xét về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong trường hợp trên, người cho vay có thể gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan công an điều tra. Theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của người cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay.

3 hành vi đòi nợ dễ vướng vòng lao lý

Thứ nhất: Người cho vay dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, người cho vay có thể bị khởi tố về Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ hai: Người cho vay đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, người cho vay có thể bị khởi tố về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ ba: Người cho vay có hành vi bắt, giữ hoặc giam người vay trái pháp luật thì có thể bị khởi tố về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên, người cho vay sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tương đối nghiêm khắc. Điển hình với Tội cướp tài sản, mức phạt tù từ 03 - 10 năm, nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều.

Thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay

Theo pháp luật hiện hành, muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thành lập doanh nghiệp, các cá nhân không được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong quá trình hoạt động dịch vụ này, doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Luật Doanh nghiệp 2014; Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Nguyên tắc đòi nợ đúng luật là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không bắt giữ người vay trái pháp luật đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật về đòi nợ như Nghị định 96/2016/BĐ-CP, Nghị định 04/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận. Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỉ đồng). Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

Người cho vay có thể bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ

Nghị định 69/2016/NĐ-CP điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được thi hành và các khoản nợ đã dần được các đơn vị xử lý. Về các khoản nợ có thể chia thành nợ có tài sản đảm bảo và nợ không có tài sản đảm bảo dựa theo góc độ pháp lý.

Trong đó, nợ không có tài sản đảm bảo được chia làm 2 loại: Nợ không có tài sản đảm bảo, không còn đối tượng để thu nợ và nợ không có tài sản đảm bảo nhưng con nợ vẫn đang còn tồn tại và hoạt động.

Còn khoản nợ không có tài sản đảm bảo nhưng con nợ vẫn đang còn tồn tại và hoạt động mới được thực hiện mua bán. Giá trị khoản nợ này được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên, theo tỷ lệ phần trăm hoặc theo đúng giá trị tuyệt đối của khoản nợ (theo quy chế mua bán nợ).

Mặc dù, Nhà nước không đưa ra quy định cụ thể nào cho việc định giá để mua bán các khoản nợ nhưng trong khuổn khổ pháp lý về các khoản nợ tồn đọng, vẫn có thể tìm thấy một hướng dẫn để đánh giá một khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và con nợ đang còn tồn tại và hoạt động.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.