Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt dự kiến được xây dựng theo quy hoạch. (Ảnh: HTT)
Thông tin UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt) đã khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối trước những địa danh làm nên sắc màu riêng biệt của Đà Lạt dần biến mất.
Khởi nguồn là một thành phố nghỉ dưỡng, và cho đến nay, sự thay đổi và chuyển mình qua thời gian của Đà Lạt khiến người ta khó lòng nhận ra nếu nhìn vào những tấm ảnh cũ.
Đáng chú ý, theo bản đồ án này, một số công trình chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình), sẽ bị đập bỏ thay vào đó là một công trình hình khối tròn, bọc kính, mái trải thảm cỏ.
Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream, Thương xá Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ.
Trung tâm Đà Lạt được chụp năm 1968. (Ảnh: Bill Robie).
Năm 1897, bác sĩ Alexandre Yersin đã gợi ý cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn cao nguyên Lâm Viên làm vùng đất lí tưởng cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp ở miền Trung.
Kể từ đó, thành phố Đà Lạt bắt đầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc của châu Âu, vẫn luôn được ưu ái gọi với cái tên "tiểu Paris" - nổi tiếng về du lịch và nghỉ dưỡng.
(Ảnh: Bill Robie)
Đường phố khu vực trung tâm Đà Lạt cách đây khoảng 50 năm về trước mang nét đẹp cổ điển, đồng bộ về kiến trúc. (Ảnh: Sandy1618)
Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh, Đà Lạt ngày nay là một thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, đến những người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt cũng phải "chóng mặt" với tốc độ phát triển của thành phố yên bình và tĩnh lặng này.
Hồ Xuân Hương và câu Ông Đào năm 1969. (Ảnh: Bill Robie)
Lối đi xuống Hồ Xuân Hương từ khu Hòa Bình ngày nay. (Ảnh: Bảo Bình)
Đà Lạt bây giờ "xô kệch, lộn xộn" và đông đúc hơn. (Ảnh: Bảo Bình)
Khu trung tâm Đà Lạt trong những bức ảnh cũ năm 1969 với hình ảnh giản dị, đồng nhất về mặt kiến trúc, yên bình cùng những lớp người thanh lịch.
Nhưng hiện nay, nhộn nhịp nhất cũng là khu này, đông kẻ bán người mua, đông đúc khách tứ xứ dù là ngày thường hay lễ Tết. Nhìn Đà Lạt đổi thay chóng mặt, hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, hoài niệm.
Khu Hòa Bình những năm 1950. (Ảnh: Nguyễn Bá Mậu)
Ảnh chụp khu Hòa Bình năm 1971. (Ảnh: Lt.Col.R.Rayne Adelsperger)
Khu Hòa Bình của bây giờ cũ kĩ, có nhiều góc trở nên tạm bợ, nhưng vẫn là một góc linh hồn, là chứng nhân lịch sử của những người yêu thành phố này.
Rạp Hòa Bình sắp bị phá bỏ theo quy hoạch mới. (Ảnh: Lâm Viên)
Có những ki ốt cũ vẫn tồn tại theo thời gian, những quầy sửa đồng hồ của các cụ già lớn tuổi, quầy bán cà phê, góc quán cóc mỗi sáng đông người tranh thủ thưởng thức những li nước ấm nóng, đượm mùi của hoài niệm.
Những góc phố thân quen ở khu Hòa Bình hôm nay. (Ảnh: Bảo Bình)
Tiệm sửa đồng hồ cũ vẫn tồn tại theo thời gian. (Ảnh: @jullynguyen)
Được xây dựng từ năm 1929, chợ Đà Lạt vừa là một trong những khu vực giao thương nhộn nhịp, sầm uất của thành phố; vừa là một di tích lịch sử quan trọng và ý nghĩa.
(Ảnh: Anthony LaRusso)
Chợ Đà Lạt những ngày đầu. (Ảnh: Tom Petersen)
Những ngày đầu mới thành lập, chợ còn khá đơn sơ với quang cảnh thoáng đãng, ít cây cối. Đây cũng là nơi thu hút rất nhiều người dân Đà Lạt, các đồng bào dân tộc đến giao thương, buôn bán.
Hình ảnh phụ nữ Đà Lạt trong tà áo dài, nón lá truyền thống đi chợ. (Ảnh: Warren G. Reed, Ogden Williams, Doi Kuro)
Chợ xưa sẽ dễ thấy các bà, các mẹ mang nón lá và chiếc làn, chiếc gùi quen thuộc ra chợ. Chợ nay đông hơn, thương mại hóa và đa phần là khách du lịch lui tới mua sắm, vui chơi.
Chợ Đà Lạt ngày nay. (Ảnh: Bảo Bình)
Khách du lịch tập trung về chợ Đà Lạt mỗi tối. (Ảnh: Bảo Bình)
Nhiều người vẫn giữ kí ức về một ấp Ánh Sáng của ngày xưa, nơi được chia làm 2 khu mà người dân vẫn quen gọi xóm trên - xóm dưới.
Xóm trên là một con đường nhỏ thẳng tắp bắt đầu từ tổ đình Ánh Sáng và kết thúc ngay con dốc bậc thang dẫn từ cầu Bá hộ Chúc lên đường Nguyễn Chí Thanh, cầu thang này 2 bên hoa dã quì thường nở rực vào ngày đầu đông.
Khu trung tâm Đà Lạt những năm 1960, dãy nhà phía dưới là ấp Ánh Sáng. (Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Lâm Đồng)
Và ấp Ánh Sáng hôm nay với những tòa nhà bê tông cốt thép đua nhau mọc lên. (Ảnh: Hoàng Việt)
Đà Lạt khi xưa vốn là những rừng thông nguyên vẹn, thác nước hoang sơ, những dòng suối êm ả…Đà lạt không thể hòa nhập với những công trình đồ sộ chiếm giữ không gian công cộng. Hiện giờ nhiều nơi được khai thác trồng rau, xây nhà kính, nhiều khu có địa thế đẹp lại được khai thác làm du lịch, chẳng mấy chốc thông cũng dần thưa.
Đà Lạt dần vắng bóng những rừng thông xanh mướt. (Ảnh: Bảo Bình)
Nhiều người trẻ nhìn vào những bức ảnh cũ, chỉ ước gì được sinh ra vào những năm 1975 để được nhìn thấy Đà Lạt đẹp như thế nào.
Đừng vội chỉ trích những người phản đối hay tiếc nuối cái cũ, cũng bởi họ cũng muốn bảo vệ một Đà Lạt nguyên vẹn. Có lẽ người ta sợ đổi thay, sợ những khối bê tông cốt thép, sợ những tòa nhà cao tầng, hiện đại vô hồn, sợ Đà Lạt không còn là thành phố buồn nữa...
XEM THÊM