Mấy ngày qua, người dân tại Đà Nẵng bất ngờ với thông tin lạm phát Phó giám đốc cấp Sở. Thậm chí, Sở Y tế có đến 5 cấp phó. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lượng Phó giám đốc Sở không quá 3 người. Riêng lượng Phó giám đốc các Sở thuộc UBND Hà Nội và UBND TP HCM không quá 4 người.
Nói về điều này, ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc sở Nội vụ) xác nhận, hiện tại, Sở Y tế có 5 cấp phó, nguyên nhân là có 1 cấp phó giám đốc bị bệnh phải điều trị dài ngày và 2 cấp phó giám đốc phải kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc bệnh viện.
Trong đó, ông Nguyễn Út hiện kiêm nhiệm là Giám đốc bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và ông Trần Ngọc Thạnh là Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng.
Sở Y tế TP Đà Nẵng có đến 5 Phó giám đốc |
Ngoài ra, còn có 2 Sở có 4 phó giám đốc là Sở Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Sở Nội vụ. Riêng Sở Nội vụ có Phó giám đốc kiêm Trưởng Ban tôn giáo.
Theo ông Đồng, đến cuối 2017, sở Y tế sẽ có 2 phó giám đốc, Sở LĐ-TB-XH có 1 phó giám đốc sẽ nghỉ hưu, đến tháng 4/2018, Sở Nội vụ có 1 phó giám đốc nghỉ hưu. Do đó, số phó giám đốc ở các sở này vẫn đảm bảo số lượng theo quy định. Đặc biệt, thành phố đang vận động ông Nguyễn Út thôi chức Phó giám đốc Sở Y tế.
Ông Đồng cho biết thêm, riêng các cấp quận, huyện có số lượng cấp phó các phòng chuyên môn bình quân lớn hơn 2. Trong khoảng thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, điều chỉnh để phù hợp hơn.
Ông Đồng chia sẻ, TP Đà Nẵng đang có Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức thuộc thành phố. Trong đó, xác định cụ thể lộ trình tinh giản qua các năm, chú trọng thực hiện tinh giản biên chế để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tỷ lệ tinh giản 10% theo quy định.
Để thực hiện được điều này, từng cơ quan phải thực hiện thống nhất, rà soát tình hình đội ngũ, nguồn nhân lực theo các tiêu chí tinh giản biên chế và theo các yêu cầu, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực đội ngũ tại Đề án vị trí việc làm.
Sau đó, các cơ quan, đơn vị sẽ đề ra danh sách cụ thể các trường hợp dôi dư và sẽ cơ cấu lại đối với những người không đảm bảo điều kiện sức khỏe, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ và đề xuất phương án cơ cấu lại đội ngũ. Đối với các trường hợp này có thể đào tạo lại, luân chuyển cho phù hợp chuyên ngành hoặc đưa vào danh sách tinh giản.
Ông Đồng cho biết TP Đà Nẵng đang có chính sách tinh giản biên chế theo lộ trình |
Từ danh sách các đối tượng có thể đưa vào diện tinh giản biên chế, các địa phương, đơn vị phải xác định quá trình cụ thể lộ trình tinh giản, đảm bảo đến năm 2021, thực hiện tinh giản 10% biên chế được giao.
Vị giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ở Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tinh giản biên chế. Trên thực tế, có nhiều trường hợp suy giảm sức khỏe, mất sức lao động, thậm chí bị ung thư, điều trị xạ trị vẫn không đủ điều kiện để xin nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế quy định của Chính phủ.
Do đó, có những trường hợp có nguyện vọng nghỉ theo chính sách nhưng không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết. Ngoài ra, thành phố cũng gặp khó khăn trong tính toán tuyển dụng vào biên chế đối với các đối tượng thu hút nhân tài, đào tạo theo chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi về vấn đề nhiều Sở vượt quá số lượng Phó giám đốc, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch TP Đà Nẵng) cho rằng, một trong những nguyên nhân là họp hành liên miên. Theo ông, ví dụ, ở Mỹ là đất nước rộng lớn nhưng chỉ có một phó tổng thống, phần lớn công việc đều được tổng thống xử lý.
Trong khi đó, như chính ông, hầu như ngày nào cũng họp, Phó chủ tịch thường trực cũng phải đi họp. Do đó, dù nhiều cấp phó nhưng vẫn thấy thiếu. Trong thực tế, việc tinh giản biên chế trong thực tế là rất khó khăn.