Đà Nẵng và 'điệp khúc' thiếu nước sạch, vậy sao đảm bảo chất lượng cuộc sống?

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nói rằng, nước và rác là hai vấn đề quan trọng, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng… không thể để nợ lâu hơn được nữa. Thế nhưng bước sang năm 2019, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

Thiếu nước sạch là nợ dân

Là một người dân tỉnh lẻ đến sinh sống tại Đà Nẵng đã gần 10 năm. Tôi luôn tự hào khi quãng thời gian đó, tôi được chứng kiến sự thay đổi của thành phố hàng ngày. Một sự "thay da đổi thịt" từ hạ tầng, giao thông, chất lượng sống bởi môi trường trong lành, xanh – sạch – đẹp trung tâm Đà Nẵng.

Nhiều bạn bè từ các địa phương khác tới Đà Nẵng, tôi cũng tự hào khoe hay chính họ khoe với tôi, Đà Nẵng thật đáng sống…

Tôi tự hào thật sâu trong trái tim tôi về Đà Nẵng cho đến khi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, các quận, huyện trên địa bàn thành phố mất nước liên tục. Tôi đã trực tiếp đi chứng kiến, viết bài, thấu hiểu nỗi khổ của việc thiếu nước đến nhường nào.

nguoi dan da nang lay nuoc sach

Người dân tranh nhau lấy nước tại điểm cấp tạm Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng bố trí. (Ảnh: Văn Luận).

Tôi không nói quá khi chính nhu cầu thiết yếu đi vệ sinh không có nước dội, mùi hôi nồng nặc ở khu nhà tôi thuê ở và hàng trăm hộ dân khác. Việc thiếu nước khiến trẻ nhỏ, người già bị ảnh hưởng sức khỏe vì không thể tắm rửa thường xuyên. Thiếu nước nhiều ngày, các gia đình phải mua nước bình dùng, rất tốn kém.

Hàng trăm bài viết, chia sẻ cảm xúc tức giận được đăng tải trên các diễn đàn mạng xã hội Đà Nẵng.

"Dân thiếu nước là các đồng chí có tội. Có khi còn phải đưa ra tòa chứ không phải là chuyện đơn giản"

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp ngày 24/11/2018 với các Sở, ban ngành, lãnh đạo Dawaco

Ngày 10/11/2018, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Sở TN&MT chỉ đạo kiểm tra thực tế tình hình, qui trình vận hành tại Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco).

Nếu Dawaco vận hành không đúng qui trình để người dân TP Đà Nẵng thiếu nước sử dụng thì phải xử lí nghiêm.

Sở Xây dựng Đà Nẵng báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Tiếp đó, ngày 15/11/2018, đoàn công tác do ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Tài nguyên nước làm Trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế về việc khai thác, sử dụng nước của nhà máy nước Cầu Đỏ để nắm bắt thực trạng cấp nước cho người dân TP Đà Nẵng.

Sau chuyến đi, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Tài nguyên nước chỉ ra việc thiếu nước do nhiễm mặn cao có liên quan đến giải pháp vận hành của nhà máy nước của Dawaco.

bi thu thanh uy da nang

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa đã cùng với lãnh đạo các ban ngành liên quan đi kiểm tra thực tế hiện trường trạm bơm An Trạch và làm việc với lãnh đạo Dawaco. (Ảnh tư liệu).

Sự việc thiếu nước đã "báo động" đến Thành ủy Đà Nẵng. Ngày 24/11/2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã cùng với lãnh đạo các ban ngành liên quan đi kiểm tra thực tế hiện trường trạm bơm An Trạch và làm việc với lãnh đạo Dawaco.

Báo cáo khi đó, nguyên nhân khách quan việc thiếu nước sạch là tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan bất thường, hạn hán thiếu nước từ đầu nguồn nên không đủ nước đẩy mặn tại Sông Cầu Đỏ.

Nhưng nguyên nhân chủ quan theo Sở Xây dựng thừa nhận là chưa chủ động kịp thời có giải pháp xử lí tình trạng thiếu nước sạch trong trường hợp bị nhiễm mặn nặng (trên 1000mg/l); công tác bảo trì bảo dưỡng may móc chưa thường xuyên (tại thời điểm có sự cố nhiễm mặn chỉ có 3 máy bơm hoạt động, 3 máy bơm còn lại không bảo đảm yêu cầu vận hành bình thường cũng như khi xảy ra sự cố).

Sau khi nghe ý kiến trình bày của các đơn vị, Bí thư Thành ủy cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước nêu trên phần lớn là do chủ quan, công tác quản lí vận hành, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước đang bộc lộ những yếu kém hạn chế cần được khắc phục.

Dẫu có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có thể coi là trường hợp hi hữu khi "thiếu nước giữa mùa mưa" nhưng tình trạng này vẫn gây bức xúc lớn trong nhân dân và đang đặt ra những vấn đề phải giải quyết để đảm bảo cung cấp nước sạch cho thành phố an toàn và bền vững.

"Nước và rác là hai vấn đề quan trọng, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng. Đây là vấn đề bức thiết mà chúng ta còn nợ người dân, đòi hỏi lãnh đạo Thành ủy, UBND, các sở ngành liên quan phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao để giải quyết. Không thể để nợ lâu hơn được nữa" Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Sang năm 2019, thiếu nước sạch do nhiễm mặn vẫn tái diễn

Thống kê của tôi trong quá trình đưa tin, theo dõi việc cấp nước sạch tại Đà Nẵng, từ đầu năm 2019 đến nay là hơn 4 lần người dân bị cúp nước, thiếu nước.

Đỉnh điểm là từ trưa ngày 18/8 vừa qua, việc cúp nước sinh hoạt trên nhiều quận, huyện lại diễn ra do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn. Khắp các diễn đàn mạng xã hội, hàng trăm bài viết chia sẻ, thể hiện cảm xúc tức giận do thiếu nước sinh hoạt.

nguoi dan da nang thieu nuoc sach

Người dân sinh sống tại TP Đà Nẵng lên mạng xã hội than thở việc thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh chụp màn hình).

Việc thiếu nước sinh hoạt dài hơi đến hôm nay 24/8, tức là 7 ngày. Giải pháp nóng bố trí nhiều điểm cấp nước tạm vẫn không đủ "hạ nhiệt" cảm xúc người dân mong ngóng được mở vòi nước tắm táp sạch sẽ, nấu bữa cơm ngon sau ngày mệt nhọc làm về.

Nước là nhu cầu thiết yếu cơ bản, là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng cuộc sống. Thế nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa làm được, còn nợ dân…

Nếu việc thiếu nước sạch được khắc phục trong những ngày tới, ai đảm bảo rằng, sự việc sẽ không tái diễn lại?

Hiện tại, TP Đà Nẵng đang cung cấp nước sạch bình quân khoảng 270.000m3/ngày đêm. Dự báo đến năm 2020 là 462.000 m3/ngày đêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.