Nhiều tỉnh thành kiệt nước

Không riêng gì Đà Nẵng, các địa phương khác cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, nắng nóng gay gắt, mặn xâm nhập.
 - Ảnh 1.

Nhiều hồ chứa tại huyện M’Đrắk, Đắk Lắk trơ đáy. ( Ảnh: TR.TÂN).

Giá một mét khối nước sinh hoạt đắt đỏ chưa từng thấy, có nơi trên 300.000 đồng/m3, người dân điêu đứng.

Quảng Ngãi - Quảng Nam: khát từ đất liền ra đảo

Tại các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Đông... (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), vấn đề thiếu nước và xâm nhập mặn đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người dân.

Tại xã Bình Đông, ông Nguyễn Thanh Vũ - chủ tịch UBND xã - cho biết trước đây chỉ xảy ra tình trạng khô hạn dẫn đến thiếu nước nhưng chưa từng có tình trạng nguồn nước nhiễm mặn như hiện tại. Xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), xã Nghĩa An, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cũng đang lâm vào tình trạng cạn nước ngọt, đầy nước mặn trong cả giếng khoan lẫn giếng khơi, người dân phải mua nước về dùng.

Tại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn), tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất. Toàn bộ đảo không còn nước ngọt, người dân phải mua nước từ đảo Lớn sang với giá 325.000 đồng/m3.

Nhiều khu vực ở TP Hội An (Quảng Nam) đã thiếu nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và khách du lịch. Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đông Hà (Quảng Trị) là sông Vĩnh Phước đã kiệt nước từ đầu tháng 8-2019. Tỉnh Quảng Trị buộc phải xả hồ thủy lợi Ái Tử để cấp nước cho 30.000 dân TP Đông Hà.

Bình Định - Phú Yên: hàng vạn hộ dân thiếu nước

Bà Nguyễn Thị Lan (ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nói rằng nhiều tháng qua, tất cả giếng nước cả làng đều không còn giọt nào. "Thiếu tiền bạc thì còn vay mượn được, chứ thiếu nước trăm chuyện khổ cực. Nhà nào có tiền thì mua nước xe bồn chở đến để xài, còn không có phải ra suối vét nước cặn để sử dụng" - bà Lan nói.

Nhiều ngày qua, người dân ở xã An Cư (huyện Tuy An) đã được "tiếp tế" nước sinh hoạt từ xe bồn do chính quyền thuê chở đến cung cấp.

Bà Huỳnh Thị Lệ Hoa (ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư) kể: "Mấy tháng liền không có giọt mưa nào, ruộng đồng nứt nẻ, kênh mương khô khốc, giếng khắp nơi kiệt nước. Người đã khổ vì không có nước sinh hoạt, còn trâu bò thì đến nước uống cũng không có. Trước khi chính quyền cấp mỗi ngày 16 lít nước/người, tụi tui phải đi mua nước về dùng với số tiền 350.000 đồng/m3" - bà Hoa bày tỏ.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến nay đã có khoảng 10.000 hộ dân ở 6 huyện, thị xã ở tỉnh này bị thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài. Hiện có khoảng 4.500 hộ với gần 20.000 người ở 2 huyện Sông Hinh, Tuy An và thị xã Sông Cầu không còn nguồn nước sinh hoạt.

Cao điểm nắng nóng trong tháng 7-2019, toàn tỉnh Bình Định có đến 13.130 hộ với khoảng 55.000 người thiếu nước sinh hoạt. UBND tỉnh Bình Định phải cho xe chuyên dùng của cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực hiện hàng trăm lượt xe chở nước cấp cho dân với định mức hỗ trợ 40 lít nước/người/ngày.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng đã có tới 152 hồ cạn nước; hơn 31.200ha lúa hè thu bị thiếu nước. Bình Định đề nghị trung ương hỗ trợ gần 56 tỉ đồng để "giải hạn".

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.