Huỳnh Thị Huyền Như lừa nghìn tỷ như thế nào? |
Sắp xét xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm |
Đại án Huyền Như: Truy tố thêm 10 sếp ngân hàng |
Những ai nhận tiền môi giới?
Huỳnh Thị Huyền Như (ảnh: H.H). |
Tháng 2/2015, TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm vụ án Huyền Như để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng.
Theo đó, kết quả điều tra lại, VKSND Tối cao vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có căn cứ truy tố tội Tham ô tài sản như TAND cấp cao xác định.
Theo kết quả điều tra bổ sung, biết công ty bảo hiểm Toàn Cầu có tiền muốn gửi ngân hàng, khoảng tháng 6/2011, Như đã gặp bà Lê Thanh Trúc Giang, nhân viên ban Tài chính- kế toán của công ty để "gạ" gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất hấp dẫn.
Khi bà Giang đồng ý, Như lập giả 5 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa công ty bảo hiểm Toàn Cầu với Vietinbank, ký giả 4 chữ ký của cán bộ Vietinbank và đóng dấu giả Vietinbank để huy động của công ty bảo hiểm Toàn Cầu 125 tỷ đồng...
Sau đó Như sử dụng quyền kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng giao dịch để tự chuyển đi trên hệ thống máy tính số tiền hơn 124 tỷ đồng của công ty bảo hiểm Toàn Cầu (không cần lệnh chi có chữ ký của chủ tài khoản) đến tài khoản của các tổ chức, cá nhân mà Như đã vay trước đó.
Trong phi vụ này, Như khai đã chi tiền chênh lệch hợp đồng cho bà Giang 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên quá trình điều tra không làm rõ được việc này nên cơ quan điều tra cho rằng không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Giang.
Sau khi khiến công ty bảo hiểm Toàn Cầu sập bẫy lừa, đến tháng 8/2011, Như đã thỏa thuận với bà Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc khối nguồn vốn ngân hàng Tiên Phong về việc ngân hàng này sẽ thông qua công ty Phương Đông và công ty An Lộc để gửi tiền vào Vietinbank.
Như thỏa thuận lãi suất theo hợp đồng là 14%/năm, trả chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5% đến 5,5%/năm. Trên thực tế, Ngân hàng Tiên Phong đã ký 11 hợp đồng trị giá 1.860 tỷ đồng. Thực chất các hợp đồng này chỉ là căn cứ để ngân hàng Tiên Phong chuyển tiền cho các công ty đứng tên gửi tiền vào Vietinbank.
Sau khi công ty Phương Đông và công ty An Lộc chuyển tiền sang Vietinbank, Như đã tự thao tác trên hệ thống Vietinbank mà không có lệnh chi của chủ tài khoản, tự chuyển 380 tỷ đồng từ tài khoản thanh toán của công ty Phương Đông cho 3 công ty khác để trả nợ cá nhân của mình.
Theo lời khai của Huyền Như, trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt của công ty Phương Đông 380 tỷ đồng và chiếm đoạt của công ty An Lộc 170,35 tỷ đồng, Huyền Như đã đưa cho bà Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc khối nguồn vốn ngân hàng Tiên Phong 40 tỷ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Về lời khai này của Huyền Như, bà Phương không thừa nhận. Theo lời khai của bà này, bà ta không được hưởng lợi ích vật chất gì từ Huyền Như. Còn theo kết quả điều tra, Như đã chỉ đạo nhân viên chuyển hơn 5,9 tỷ đồng vào tài khoản của em trai bà Phương và chồng bà Phương.
Trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt của công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank- Beryaya hơn 209 tỷ đồng, Như cũng khai đã chi cho người môi giới 16,9 tỷ đồng.
Đến nay, các cá nhân được hưởng lợi từ việc môi giới huy động vốn đã thu nộp cho cơ quan điều tra hơn 13,28 tỷ đồng.
Cần xem xét lại một số vấn đề
'Siêu lừa' Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng |
Cơ quan tố tụng xác định số tiền của các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bị Huyền Như chiếm đoạt là tài sản của các tổ chức cá nhân này. Từ đó xác định Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi lừa đảo các tổ chức, cá nhân này để chiếm đoạt tài sản là thiếu căn cứ, mà cần phải xác định, đây chính là số tiền của ngân hàng bị Như chiếm đoạt.
Sẽ là điều phi lý và không có cơ sở khoa học, khi xác định hành vi chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của Như là phạm tội lừa đảo, và những đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi tiền vào tài khoản của ngân hàng bị Như chiếm đoạt là người bị hại trong vụ án. Vì trên thực tế, số tiền trên không thuộc quyền sở hữu của họ, cái mà họ đang sở hữu, thực chất chỉ là một quyền về tài sản thuộc phạm vi “trái quyền” (hay còn gọi là quyền đối nhân).
Tức là quyền được yêu cầu ngân hàng tính lãi hay giải ngân vào một thời điểm nhất định, chứ không phải “vật quyền” (hay còn gọi là quyền đối vật) là quyền trực tiếp chiếm giữ và hành xử trên vật (tài sản).
Trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như không trực tiếp nhận tài sản từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mà chỉ dẫn dụ họ tham gia gửi tiền vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng. Và chỉ sau khi họ đã hoàn tất các thủ tục gửi tiền vào ngân hàng này, thì Như mới lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, sau đó dùng quyền của Trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của Như.
Vì vậy, không có cơ sở để truy tố Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền vào tài khoản thanh toán của ngân hàng.
Việc Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng đang thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của ngân hàng, có dấu hiệu cơ bản của tội tham ô tài sản theo quy định tại điều 278 BLHS 1999.
Vì vậy, cần phải truy tố và xét xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội danh này đúng theo quy định của pháp luật.