Đại biểu băn khoăn nên hay không xử lý hình sự hành vi thổi giá, móc nối gây sốt đất trong đấu giá

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận thực tế không chỉ có thổi giá, móc ngoặc mà còn xuất hiện tình trạng dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy. Đại biểu cho rằng nếu có âm mưu lũng đoạn, lừa dối để tăng giá trị đất, âm mưu phá hoại nền kinh tế thì tại sao không xử lý hình sự.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nội dung xoay quanh việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. 

Bộ trưởng: Không nên hình sự hóa, chỉ cần công cụ kinh tế

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đặt câu hỏi quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc có nên hình sự hóa hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định có hiện tượng dìm giá và việc này cũng nguy hiểm như đẩy giá, làm biến động thị trường, đầu vào của nền kinh tế không hiệu quả. Đất đai là đầu vào của nền kinh tế, nên những điều này là điều không mong muốn, dẫn tới nhiều hệ lụy.

Đại biểu băn khoăn nên hay không xử lý hình sự hành vi thổi giá, móc nối gây sốt đất trong đấu giá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Quốc hội).

Ông cho rằng đất đai phải nhìn nhận ở một khía cạnh khác, không giống một chiếc đồng hồ hay một vật dụng quý. Quy trình, thủ tục đấu giá đất phải chặt chẽ hơn, bảo vệ cho những người tham gia đấu giá, bởi có việc gây sức ép, đe dọa ở ngay nơi tổ chức đấu giá rất phức tạp. Rồi còn có cả chuyện móc ngoặc nữa nên cần thanh kiểm tra, xử lý, kể cả hình sự và kinh tế. Ông cho rằng chế tài về kinh tế phải mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, việc thẩm định hồ sơ phải làm rất căn cơ, thông qua ngân hàng, lý lịch của nhà đấu giá. Hiện nay chỉ quy định 15 ngày thì chỉ tương đương với thời gian đấu giá vật dụng quý thôi, không phù hợp.

"Thổi giá đầu cơ đất đai là hiện tượng có thật. Người dân và doanh nghiệp gửi tài sản vào đất, đất lên giá như ngựa phi, khi đầu tư tiền tài sản vào đất đai thì không hiệu quả, rất không tốt cho nền kinh tế, nên nhà nước phải điều tiết giá. Đất chưa sử dụng nhưng tiếp tục tham gia đấu giá để tăng giá tiếp, đất chưa sử dụng vẫn tiếp tục lên giá. Vì thế phải xác định lộ trình đưa dự án vào sử dụng. Phải phân biệt phân khúc thị trường, không thể lấy mục tiêu thu được nhiều tiền, điều đó không được; phải đảm bảo tính toán cung cầu của thị trường bất động sản. Tôi muốn khẳng định quy hoạch sử dụng đất đai và đô thị rất quan trọng, dựa trên cơ sở tính toán dự báo", người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường nói.

Ông cho rằng muốn hình sự hóa việc đẩy giá phải bổ sung chế tài xem việc nào lợi dụng cố tình. "Quan điểm của tôi không cần hình sự hóa, chỉ cần giải pháp chế tài về kinh tế là đủ", Bộ trưởng Hà nêu quan điểm.

Sẽ nâng mức đặt cọc

Liên quan đến vụ đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi có hay không chuyện thổi giá để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản để lợi dụng vay ngân hàng, làm sạch bảng tài chính. 

"Hiện nay thị trường sốt đất là có thật, vậy có phải sốt ảo không? Chính sách định giá phù hợp chưa, vì sao giá tăng cao gấp nhiều lần như vậy?” – ông Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.

Đại biểu Hạ nêu vấn đề hiện nay thị trường sốt đất là có thật, vậy có phải sốt ảo không? Chính sách định giá phù hợp chưa, vì sao giá tăng cao gấp nhiều lần như vậy? "Nếu có âm mưu lũng đoạn, lừa dối để tăng giá trị đất, âm mưu phá hoại nền kinh tế, sao chúng ta không thể xử lý hình sự?, vị đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm xử lý làm rõ. Luật Thuế không thể coi đây là một hợp đồng mang tính trách nhiệm nữa, trường hợp này không vận dụng Luật Thuế mà khi đã ký hợp đồng xong, bên trúng đấu giá phải trả tiền sau 10 ngày thay vì 90 ngày, không để thời gian để doanh nghiệp chờ và làm đảo lộn thị trường và trục lợi.

Về tiền đặt cọc, Bộ trưởng cho rằng hiện nay mới ở chỉ mức 5 - 10%, hiện đang xem xét nâng lên. Khi đưa ra giá bao nhiêu phải có tiền sẵn và chứng minh được. Việc chứng minh không bằng cam kết mà bằng thẩm định của cơ quan có chức năng.

Trong phần tranh luận của mình, bà Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng. Theo nữ đại biểu, có ý kiến chuyên gia tính toán cho rằng số tiền mà nhà đấu giá bỏ cọc gần 600 tỷ ở Thủ Thiêm không là gì so với lợi ích thu được khi giá đất khu vực xung quanh được đẩy lên cao, gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như nền kinh tế, do đó cần xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự.

Đồng quan điểm cần xử lý nghiêm, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại rằng trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì cơ quan có trách nhiệm đang làm rõ và cần chờ kết luận rõ ràng.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn chỉ rõ tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Ngoài ra còn có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá". Chẳng hạn như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội năm 2021.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...

chọn
Cận cảnh khu đất gần 10.000 m2 sát công viên Ngọc Thụy sắp làm hạ tầng để đấu giá
UBND TP Hà Nội giao hai ô đất có tổng diện tích 9.989,5m2 đất tại phường Thượng Thanh, đoạn gần công viên Ngọc Thụy, cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, lên phương án đấu giá.