Học sinh nữ đánh nhau ngày càng tăng. Không chỉ là đánh nhau, bạo lực học đường còn diễn ra ở hình thức thóa mạ trên mạng xã hội, xúc phạm nhau ở lớp, gây ức chế tinh thần dẫn đến có trường hợp các cháu phải quyên sinh.
Tình trạng trên gióng lên hồi chuông báo động đối với ngành giáo dục trong việc phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, phụ huynh trong việc quản lý, dạy bảo học sinh.
Đó là ý kiến của đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình) trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 1/11.
Nữ sinh bị nhóm bạn đánh tại trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - ảnh cắt từ clip |
Theo đại biểu Thế Tản, phương pháp giáo dục của một bộ phận không nhỏ người lớn trong gia đình và ngoài xã hội chưa tốt đã tác động xấu đến giáo dục trẻ em, làm giảm chất lượng giáo dục của nhà trường.
Chính bạo lực gia đình do người lớn gây ra đã tác động không nhỏ đến bạo lực học đường.
Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ đến gia đình không còn yêu thương, che chở và bảo vệ mình nữa nên đã bỏ nhà ra đi, lang thang bụi đời.
Theo đại biểu Quách Thế Tán, một số biểu hiện của người lớn có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, thậm chí có cả những hành vi phạm tội, đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô ảnh hưởng nhiều đến trẻ em.
Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” ở một số gia đình đã giáo dục trẻ em làm ăn gian dối. Có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng lại không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ.
Có người ỷ lại cho nhà trường, dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ. Đặc biệt, một số gia đình quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói quen đòi gì được nấy, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ em hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức được trách nhiệm bản thân mà chỉ quen được phục vụ hưởng thụ./.