Đại gia Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản trong cuộc đua mở đại siêu thị ở Sài Gòn

Nếu mô hình bán lẻ nhỏ đang nằm trong tay doanh nghiệp Việt thì các đại gia bán lẻ ngoại đang thống lĩnh phân khúc đại siêu thị tại Việt Nam. Tận dụng khoảng trống mà các doanh nghiệp nội để lại, các đại gia này đang bành trướng và bủa vây tứ phía tại TP HCM.

Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, trong vài năm qua, rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Tận dụng nguồn vốn dồi dào, mục tiêu nhắm đến đầu tiên của doanh nghiệp ngoại là đại siêu thị với mặt bằng lớn. Nhờ vậy mà khi các nhà bán lẻ lớn trong nước hướng đến các mô hình nhỏ gọn, chủ yếu là thực phẩm, thì các đại gia ngoại lại tranh nhau giành lấy phân khúc đại siêu thị.

Cuộc chiến đại siêu thị của đại gia ngoại

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Kantar Worldpanel, cho biết hiện các tập đoàn lớn nước ngoài nắm đến 92% thị phần ở phân khúc đại siêu thị ở Việt Nam.

Đại gia ngoại tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam, mở đại siêu thị bao vây khắp Sài Gòn - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ ngoại đang nắm đến 92% thị phần đại siêu thị ở Việt Nam. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Nhận định của công ty nghiên cứu thị trường này hoàn toàn thực tế, bởi đang nắm "trùm" ở phân khúc đại siêu thị là hàng loạt ông lớn bán lẻ ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Cụ thể, BigC - thương hiệu của Central Group (Thái Lan) đang dẫn đầu về số lượng điểm kinh doanh hiện nay, với 35 đại siêu thị trên khắp cả nước, giữ vị trí thứ hai là MM Mega Market - trước đây là Metro (Thái Lan) với 19 đại siêu thị. 

Số lượng đại siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc hiện nay là 13. Sắp tới, Lotte Mart sẽ khai trương một điểm kinh doanh mới tại quận 8, và được giới thiệu sẽ trở thành trung tâm vui chơi, mua sắm lớn nhất khu vực này.

Trong khi đó, ông lớn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) với thương hiệu Aeon Mall hiện có 4 đại siêu thị. Tạm đứng cuối trong bảng xếp hạng là tay chơi mới Emart thuộc Tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) với duy nhất 1 điểm kinh doanh kể từ khi gia nhập Việt Nam vào năm 2015.

Đại siêu thị bao vây TP HCM

Các doanh nghiệp ngoại vẫn ưu tiên thị trường TP HCM trong việc đặt sự hiện diện của đại siêu thị. Dễ nhận thấy, tại một số quận vùng ven của TP HCM, có cùng lúc nhiều đại siêu thị tranh nhau giành thị phần.

Nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đại siêu thị Emart là tên tuổi mới nhất gia nhập và khai thác thị trường bán lẻ Việt. Đầu tư vào Việt Nam năm 2015, trung tâm bán lẻ của Tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) thu hút rất đông khách hàng đến vui chơi và mua sắm.

Đại gia ngoại tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam, mở đại siêu thị bao vây khắp Sài Gòn - Ảnh 2.

Đại siêu thị của các đại gia ngoại từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đang bao vây khắp TP HCM. (Ảnh: Phúc Huy).

Cách Emart không xa, và cũng nằm tại quận Gò Vấp là Lotte Mart. Ngoài ra, tại quận này, còn có một đại siêu thị BigC. Như vậy, chỉ riêng Gò Vấp có đến 3 đại siêu thị tranh mảng bán lẻ.

Trong khi các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 7 được các đại gia bán lẻ ngoại tập trung săn đón thì cửa ngõ phía Tây Nam dẫn vào trung tâm Sài Gòn cũng bắt đầu nhận được sự chú ý.

Năm 2016, đại siêu thị Aeon Mall ra mắt tại Bình Tân. Với lợi thế dân cư đông đúc, chưa có nhiều điểm vui chơi, mua sắm, đại siêu thị này đã tấp nập bất kể ngày đêm. Cách đó không xa còn có một siêu thị thuộc hạng lớn nhất nhì của chuỗi BigC.

Tại khu vực phía Đông, các đại gia Thái Lan đang thống lĩnh khi BigC có 2 siêu thị và MM Mega Market có 1 điểm kinh doanh.

Từ hoạt động kinh doanh hiện tại, dễ thấy rằng các đại gia ngoại đang thiết lập bản đồ đại siêu thị vây trung tâm TP HCM, tập trung hầu hết ở các quận vùng ven để khai thác triệt để phân khúc mà các nhà bán lẻ nội đang bỏ trống.

Chiến thuật củanđại gia bán lẻ ngoại là gì?

Không chỉ tập trung vào tăng độ phủ, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại còn muốn tối ưu hóa tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng tại các điểm kinh doanh đại siêu thị của mình.

Chuyên gia một công ty nghiên cứu thị trường cho biết ngày nay, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng đến một nơi, ngoài việc trải nghiệm mua sắm, họ còn muốn sử dụng đầy đủ các tiện ích, vui chơi của địa điểm đó. Mô hình này phù hợp với các gia đình hiện đại, khi họ xem đại siêu thị vừa là nơi mua sắm và vui chơi.

Đại gia ngoại tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam, mở đại siêu thị bao vây khắp Sài Gòn - Ảnh 3.

Các đại siêu thị đang khai thác mô hình "1 điểm đến, nhiều trải nghiệm" dành cho khách hàng. (Ảnh: Phúc Huy).

Vì vậy, theo vị này, các kênh bán lẻ nếu chỉ tập trung vào bán hàng theo mô hình kinh doanh cũ thì sẽ rất khó chiều được lòng người tiêu dùng. Đại siêu thị của các doanh nghiệp ngoại dường như đang bắt rất tốt tâm lí của khách hàng.

"Gia đình tôi cuối tuần nào cũng đến trung tâm này để mua sắm hàng hóa, thực phẩm và đồ gia dụng dùng cho cả tuần. Sau khi mua sắm, các con có thể vui chơi ở khu giải trí và cả nhà thỉnh thoảng ăn luôn tại đây. Một số ngày nghỉ lễ nhưng không có nhiều thời gian, gia đình chúng tôi cũng đưa các con đến đây thay vì đi chơi xa", anh Huy Vũ (ngụ quận Bình Tân), cho biết.

Anh Vũ là một trong số rất đông khách hàng thường xuyên đến đại siêu thị Aeon Bình Tân. Tại đây, đại siêu thị này không chỉ có mua sắm mà tích hợp đầy đủ các dịch vụ để đáp ứng tiêu chí "một không gian, nhiều trải nghiệm" của khách.

Với đại siêu thị mới nhất sẽ mở tại quận 8 trong năm nay, đại diện Lotte cũng cho biết sẽ xây dựng một mô hình mua sắm, ẩm thực và giải trí lớn nhất khu vực này.

Ngoài ra, điểm nhấn của các đại siêu thị ngoại là còn phân phối nhiều hàng hóa, sản phẩm đến từ quốc gia đó. 

Đại gia ngoại tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam, mở đại siêu thị bao vây khắp Sài Gòn - Ảnh 4.

Các đại gia ngoại mang nhiều hàng hoá gồm thực phẩm, thời giang, hàng gia dụng vào đại siêu thị để tiếp cận người tiêu dùng Việt. (Ảnh: Phúc Huy).

Để thu hút khách hàng, các đại gia này luôn ưu tiên nhiều gian hàng bán chuyên biệt hàng hóa mang thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan như thời trang, văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.

"Với các nhà bán lẻ nội, siêu thị thì phát triển rất nhanh nhưng phần đại siêu thị lại đang gần như nhường hết sân chơi cho đại gia ngoại", Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, khẳng định trong một hội thảo về thị trường bán lẻ Việt Nam gần đây.

Theo chia sẻ của một số đơn vị bán lẻ trong nước, vốn chính là nguyên nhân khiến họ không thể mạnh dạn đầu tư, đối đầu với các ông lớn này.