Chiều 21/3, tại ĐH Kinh tế quốc dân đã diễn ra buổi tọa đàm "Kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của tổ chức ACBSP, Hoa Kỳ". Tham gia chương trình có TS Rajesh Khajuria – Giám đốc vùng 10 của tổ chức ACBSP, đại diện Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện của nhiều trường đại học như ĐH FPT, Đh Hoa Sen...
Các đại biểu tham dự tọa đàm chiều 21/3 tại ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Đình Tuệ. |
Theo GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, bảo đảm chất lượng giáo dục là một yếu tố bắt buộc đối với tất cả các trường đại học. Thông qua công tác kiểm định chất lượng, các trường đại học đang dần hoàn thiện công tác quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút ngày càng nhiều người học hơn. Vì vậy, đóng góp đối với xã hội của các trường cũng ngày một lớn hơn.
Bên cạnh kiểm định của các tổ chức trong nước, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường kiểm định theo tiêu chí quốc tế. Khi có nhiều trường kiểm định quốc tế, thì uy tín của hệ thống giáo dục đại học của nước ta càng được nâng cao, từng bước đưa hoạt động chất lượng vào nề nếp, nâng tầm giáo dục Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Tại buổi tọa đàm, đại diện của Cục đảm bảo chất lượng – Bộ GD&ĐT, cùng các đại biểu đã tập trung trao đổi và làm rõ các vấn đề: Tổng quan về kiểm định chất lượng giáo dục của các trường đại học tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế; giới thiệu các thông tin liên quan tới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn ACBSP, Hoa Kỳ; trao đổi kinh nghiệm triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn ACBSP tại các trường đại học tại Việt Nam…
TS Đàm Sơn Toại phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đình Tuệ. |
TS Đàm Sơn Toại - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và POHE cho biết, có tất cả 6 tiêu chuẩn để kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn ACBSP, Hoa Kỳ.
Bộ tiêu chuẩn này có 6 tiêu chuẩn đi kèm với 27 tiêu chí cấp 1 và 61 tiêu chí cấp 2. Từ công tác lãnh đạo đến hoạch định chiến lược, hướng chủ yếu đến các đối tượng là sinh viên. Việc đo lường phân tích chuẩn đầu ra cũng là một tiêu chuẩn nhiều trường gặp khó khăn, thách thức. Đối với các giảng viên, lực lượng có vai trò trực tiếp trong chất lượng đào tạo cũng cần được chú trọng...
Chúng ta cũng phải duy trì thúc đẩy mối quan hệ giữa sinh viên và các bên liên quan và đảm bảo sự hài lòng. Ta coi sinh viên như là khách hàng, mỗi trường đại học với chương trình đào tạo cần xác định thị trường mục tiêu của mình, sinh viên của mình nằm ở phân khúc nào? Ta cần xác định phương pháp khảo sát thị trường, đánh giá nhu cầu đào tạo mà mình đang triển khai. Tỉ lệ sinh viên bỏ học ngang chừng cũng cần phải chú ý.
Ngoài ra, chúng ta cần có hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người học và các bên liên quan, nhất là thông qua bộ phận khảo thí. Cần hệ thống hóa các tiêu chí cụ thể mà ACBSP sẽ cung cấp để hoàn thiện. Mỗi trường đều phải xác định chuẩn đầu ra và quản lý tốt vấn đề này cũng không phải là điều dễ dàng đối với các trường.
Th.sĩ Nguyễn Phương Liên - Khoa Kinh tế và quản trị ĐH Hoa Sen chia sẻ ý kiến tại chương trình. Ảnh: Đình Tuệ. |
Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm định chất lượng giáo dục đại học của mình thời gian qua, Th.sĩ Nguyễn Phương Liên - Khoa Kinh tế và quản trị, thành viên tổ kiểm định ACBSP Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, sinh viên của trường học không chỉ là đi xin việc mà còn để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Sinh viên của ĐH Hoa Sen những năm gần đây có em ra nước ngoài làm việc và gửi email về nhờ giáo viên tuyển dụng tiếp những sinh viên năm cuối xuất sắc để sang nước đó làm việc.
Cũng theo bà Liên, vào năm 2012 ĐH Hoa Sen thành lập nhóm ACBSP vì dù có nhiều khoa nhưng chỉ có khoa Kinh tế và quản trị là khoa có ngành về kinh tế và kinh doanh mới áp dụng tiêu chuẩn này.
Trải qua quá trình thành lập nhóm, tập viết báo cáo sơ bộ để gửi cho ACBSP hình dung trường mình ra sao. Sau đó viết tiếp tiêu chuẩn tự đánh giá để đối chiếu xem cái gì đạt, cái gì chưa đạt. Năm 2013, ban chủ nhiệm khoa chính thức xin làm ứng cử viên của ACBSP.
Cuối năm 2015, ĐH Hoa Sen chính thức được kiểm định và công nhận đạt chuẩn ACBSP cho 5 ngành gồm: Quản trị kinh doanh, Marketing, Quản trị nguồn nhân lực, Kế toán - kiểm toán, Tài chính - ngân hàng.
Viết báo cáo tự đánh giá mất rất nhiều công sức vì đòi hỏi rất kĩ về thu thập minh chứng diễn ra ở các bộ môn, phòng ban liên quan. Và giảng viên ở các khoa phải làm nhiệm vụ này và về đối chiếu với tiêu chuẩn xem mình đang thiếu cái gì để bổ sung...
Để tránh bị kiện, ĐH Việt Nam không nên 'cứ hô hào sinh viên vào trường, cứ nộp tiền, rồi học thế nào cũng được'
Từ chuyện sinh viên kiện trường đại học ở Anh, GS Đặng Ứng Vận cho rằng, các trường Việt Nam cần tránh tình trạng "cứ ... |