Dân giàu, mang cả bọc tiền đi tìm môi giới: Vì đâu bất động sản vẫn kêu khó?

Kinh tế tăng trưởng tốt, cao hàng đầu khu vực vậy vì sao doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó khăn? Câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" diễn ra sáng nay (19/12).
Dân giàu, mang cả bọc tiền đi tìm môi giới: Vì đâu bất động sản vẫn kêu khó? - Ảnh 1.

Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020". Ảnh: N.M

Dân nhiều tiền, nhu cầu bất động sản cao

Tại Diễn đàn "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" do VnEconomy tổ chức sáng 19/12, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề: Kinh tế tăng trưởng tốt, cao hàng đầu khu vực vậy vì sao doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó khăn, thị trường trầm lắng. 

Bàn luận về chủ đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu thực tế của người dân đối với bất động sản rất lớn.

“Anh em môi giới nói tiền trong dân rất nhiều, có những người cầm cả bọc tiền đến tìm chỗ đầu tư”, ông Đính kể. Ông Đính lấy ví dụ, một dự án mới mở bán trong TP HCM, chỉ mới bung hàng khoảng một quý đã “bay” cả hơn chục nghìn căn hộ.

“Rõ ràng nhu cầu mua bất động sản của người dân rất mạnh. Nhu cầu lớn mà nguồn cung không đáp ứng kịp thì đúng là đáng cảnh báo”, ông Đính lo ngại.

Ông Đính cho biết thêm, hiện nay thị trường vẫn còn lượng hàng từ trước đó, chỉ trong 1-2 năm nữa là vơi dần. Nếu lúc đó cầu vẫn mạnh, nguồn cung lại chưa kịp đáp ứng thì theo vị này, nguy cơ bất ổn lớn.

Trong đó, ông Đính e ngại thị trường Hà Nội sẽ sớm khan hiếm nguồn cung hơn TP HCM. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung nêu trên được ông Đính chỉ ra, đó là do việc rà soát pháp lý, siết chặt cấp phép diễn ra tại Hà Nội, TP HCM và hầu hết các tỉnh có thị trường bất động sản phát triển.

“Nếu Chính phủ không có biện pháp thúc đẩy làm nhanh tiến trình này thì tôi e rằng thị trường sẽ có vấn đề nghiêm trọng”, ông Đính nhấn mạnh.

Thị trường gặp khó vì đâu?

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển tốt, tính thanh khoản bất động sản cao nhưng năm 2019 chững lại, nhiều dự án không được phê duyệt vì vướng mắc pháp luật.

Theo ông Võ, có thể thấy, ảnh hưởng lớn nhất là pháp luật chưa theo kip thị trường bất động sản, hệ quả là các dự án năm nay chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới sẽ bị suy giảm, giá sẽ tăng và xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi. 

Cùng với đó là sức ép từ việc Nhà nước rà soát, kiểm tra, siết chặt việc cấp phép đối với các dự án mới, các dự án có dấu hiệu chưa tuân thủ đúng pháp luật khiến các cơ quan quản lý nhà nước chững lại trong việc phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng mới.

Ông Võ cho biết, quý 3/2019, tại TP HCM chỉ có 5 dự án được mở mới so với con số 20 - 30 dự án mở mới mỗi năm. “Hiện nay giao dịch chủ yếu là nguồn cung từ trước. Nhưng 2 năm tới thì sẽ bị suy giảm”, ông Võ dự báo.

Theo nhận định của ông Võ, nguồn cung suy giảm, giá sẽ tăng, thậm chí giá đã bắt đầu tăng từ nhiều dự án rồi. Đây là câu chuyện đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thực tế, nhu cầu về bất động sản vẫn còn rất tiềm năng nhưng từ quý 3/2019 thị trường cũng bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc và có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2020. Theo tổng hợp của Batdongsan.com.vn, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP HCM năm 2019 sụt giảm 52% so với 2018.

Bên cạnh đó, tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán cũng giảm 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn hộ trong năm 2019. Số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn từ 2020-2022 được Batdongsan.com.vn dự báo sẽ khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017-2018.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.