Bất động sản thu hút hơn 3,3 tỉ USD vốn ngoại. (Ảnh: CTV)
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,8 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kì năm 2018. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,69 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kì năm 2018.
Cụ thể tính đến ngày 20.11, có 3.478 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kì năm 2018. Tổng vốn đăng kí cấp mới 14,68 tỉ USD, bằng 93% so với cùng kì năm 2018.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỉ USD, tăng 47,1% so với cùng kì năm 2018. Hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng kí, năm 2018 chiếm 27,78% và 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng kí.
Các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỉ USD. Đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 3,31 tỉ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng kí. Nếu so với 11 tháng của năm 2018, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 6,5 tỉ USD thì năm nay vốn ngoại đã giảm gần 50%.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kì do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kì năm 2018. Sau 11 tháng năm nay, Hồng Kông đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỉ USD, trong đó có 3,85 tỉ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỉ USD và Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng kí 4,47 tỉ USD.