Dần hiện thực hóa mục tiêu 100 tỉ USD kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Việt Nam - Hàn Quốc vừa kí kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết từ ngày 10 - 11/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đồng chủ trì Kì họp lần thứ 10 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại (UBHH) và Kì họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (UBTT VKFTA) tại Hà Nội.

Tại Kì họp lần thứ 10 UBHH Việt Nam-Hàn Quốc, hai Bộ trưởng đã thống nhất thông qua và kí kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023.

Bản kế hoạch hành động nói trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, vạch ra các hoạt động chi tiết và lộ trình thực hiện cụ thể cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng trong các năm tiếp theo dựa trên 4 định hướng chính.

Đó là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc; hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến.

Và thứ tư là tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kĩ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, hóa chất, cơ khí - chế tạo và linh kiện của Việt Nam, từ đó tạo năng lực cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và xuất khẩu sang các nước khác.

Đưa mục tiêu 100 tỉ USD kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc dần hiện thực hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo tại buổi kí kết. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng thảo luận, thống nhất các hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may.

Điều này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tận dụng hiệu quả lợi ích của các FTA mà Việt Nam và Hàn Quốc tham gia kí kết.

Trong lĩnh vực năng lượng, các nội dung hợp tác thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực phát triển các nhà máy điện LNG và năng lượng tái tạo, cũng như các hoạt động hợp tác nâng cao hiệu quả, an toàn năng lượng và hợp tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam cũng được hai Bộ trưởng thảo luận và thống nhất tại Kì họp. 

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng thảo luận giải pháp giúp mở rộng qui mô thương mại song phương cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai nước.

Điển hình như thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản, giải quyết các vấn đề kĩ thuật ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu giữa hai bên, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, phát triển hạ tầng logisitics và phân phối....

Đặc biệt, nếu kịp hoàn thành thủ tục trong nước, hai Bên sẽ kí kết Thư trao đổi về việc triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Đồng thời tiến tới sớm ban hành các hướng dẫn giúp các doanh nghiệp hai bên tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao nhập khẩu từ Hàn Quốc, phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đi các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Tại kì họp lần thứ 4 của UBTT VKFTA, hai Bộ trưởng trao đổi các nội dung hợp tác trong lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kĩ thuật thương mại, phòng vệ thương mại, hợp tác kinh tế, dịch vụ, đầu tư..... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lí thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại. 

Một trong những nội dung nổi bật tại Kì họp lần này là việc hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm sớm hoàn thành việc xây dựng Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (WG-EODES) trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA với mục tiêu giảm thời gian, chi phí thông quan cho hàng hóa giữa hai bên.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.