Chiếc bút gắn thiết bị quay lén được đặt ở góc cánh cửa nhà vệ sinh quán cà phê. (Ảnh T.L)
Vi phạm quyền riêng tư
Vừa qua, anh N.T.L (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh sự việc, trong lúc đi vệ sinh ở quán cà phê trên phố Trần Huy Liệu (quận Ba Đình, Hà Nội) anh L. tá hóa phát hiện dưới góc cánh cửa nhà vệ sinh có một chiếc bút gắn camera đang hoạt động.
Anh L. thông báo ngay với quản lý quán cà phê kiểm tra thì phát hiện bên trong chiếc bút gắn camera có chiếc thẻ nhớ 8G chứa dữ liệu ghi hình.
Việc phát hiện máy quay lén trong nhà vệ sinh khiến nhiều người lo lắng khi sử dụng nhà vệ sinh ở nơi công cộng, nhà hàng, cửa hàng mua sắm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sử dụng máy quay trộm hình ảnh người đi vệ sinh, thay quần áo…
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, hành vi đặt thiết bị quay lén trong nhà vệ sinh quán cà phê ở phố Trần Huy Liệu hay ở nhà vệ sinh công cộng, buồng thay đồ ở các cửa hàng quần áo là vi phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
“Luật Dân sự 2015 nêu rõ, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, hành vi đặt thiết bị điện tử trong nhà vệ sinh, buồng thay quần áo để ghi hình trộm, thu thập hình ảnh nhạy cảm mà không được sự đồng ý của người bị ghi hình là vi phạm pháp luật.
Thêm nữa, luật Dân sự cũng quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Việc đi vệ sinh, thay quần áo là sinh hoạt riêng tư của mỗi cá nhân. Hình ảnh đi vệ sinh, thay quần áo là hình ảnh nhạy cảm nên hành vi quay trộm hoạt động này đã xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của cá nhân”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Chiếc bút quay lén có gắn thẻ nhớ đang ghi hình trộm bị khách phát hiện. (Ảnh T.L)
Luật sư Tuấn Anh cho biết, nếu bí mật đời tư của công dân bị xâm phạm thì cá nhân có quyền trình báo cơ quan công an để ngăn chặn hành vi này đồng thời ngăn chặn việc phát tán những thông tin đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Quay lén hình ảnh nhạy cảm để phát tán sẽ bị xử tù
Luật sư Tuấn Anh cho biết, ngoài các hình thức xử lý như phạt cảnh cáo, buộc xin lỗi thì người thực hiện hành vi quay lén có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” hoặc “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” nếu cố tình chia sẻ, phát tán hình ảnh có nội dung nhạy cảm của người đang đi vệ sinh, thay quần áo.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), việc xác định tội danh đối tượng quay lén sẽ phụ thuộc vào động cơ, mục đích, hậu quả vụ việc.
“Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định, đối tượng đặt máy quay lén nhằm thu thập hình ảnh nhạy cảm cô gái đi vệ sinh hoặc đang thay đồ sau đó phát tán trên mạng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác”. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến hai năm.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh người vi phạm đã lan truyền hình ảnh nhạy cho người khác cùng xem, phát tán trên mạng internet... thì hành vi này có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Người vi phạm có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm”, luật sư Kiên nói.