Bộ Xây dựng mới đây đã công bố Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của ngành xây dựng. Trong đó, nhiều thông tin liên quan đến thị trường bất động sản đã được đề cập.
Nhìn chung, Bộ Xây dựng đánh giá năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, hoạt động đầu tư xây dựng đình trệ, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư công chậm… dẫn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng suy giảm.
Liên quan đến vấn đề quản lý, phát triển nhà ở, báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đến nay, dư nợ cho vay đạt 9.800 tỷ đồng với 25.581 khách hàng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Về giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư; Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay và gửi Ngân hàng Nhà nước 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Về đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021- 2030)”, đến nay (giai đoạn 2021 - 2025), cả nước đã hoàn thành 46 dự án với quy mô 20.210 căn; đã khởi công 120 dự án với quy mô 120.066 căn. Ngoài ra, có 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Một số dự án đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng, gồm Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 26,4 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46 tỷ đồng; Liên doanh CTCP nhà số 6 Hà Nội và CTCP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 56,6 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương 14,3 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề quản lý và phát triển thị trường bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 8 địa phương (TP HCM; Hà Nội; Đà Nẵng; Hải Phòng; Cần Thơ; Đồng Nai; Bình Thuận; Bình Định) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đánh giá: "Nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Song, bằng nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đã mang lại những kết quả nhất định, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ.
Theo nhận định, đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và địa phương, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm. Trong đó, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt; nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới".
Hết quý III, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc đến. Nhà ở thương mại hoàn thành 42 dự án với khoảng 15.966 căn, đạt hơn 46% so với năm 2022. Nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 5 dự án với quy mô 850 căn hộ. Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 17 dự án, bằng gần 57% so với năm ngoái.
Về giá giao dịch, theo tổng hợp báo cáo và thông tin khảo sát đánh giá của các địa phương, các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm. Song, giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc khác giảm mạnh 10 - 20% tùy vị trí từng khu vực.
Về tổng lượng giao dịch, tính đến hết quý III, có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, song cũng chỉ bằng 35,8% so với năm ngoái. Với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ, giao dịch giảm, chỉ bằng khoảng 63% so với năm 2022.
Về tồn kho bất động sản, số liệu báo cáo của 53/63 địa phương cho biết, lượng tồn kho trong quý III khoảng 18.808 căn. Trong đó gồm 3.196 căn chung cư; 6.554 căn nhà ở riêng lẻ; 7.190 đất nền.
Về bất động sản công nghiệp, trong quý III, thị trường được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án khởi công, ra mắt mới. Đơn cử như KCN VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900 ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282 ha, KCN Gia Bình II quy mô 250 ha tại Bắc Ninh; KCN công nghệ cao Long Thành quy mô 410 ha tại Đồng Nai;…
Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua khiến nhu cầu về bất động sản KCN có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy KCN tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì trên 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Về tín dụng bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến hết tháng 8/2023 đạt 986.477 tỷ đồng.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tính đến hết tháng 8, tổng giá trị phát hành là 132.358 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%). Hiện thị trường có 455 mã trái phiếu niêm yết, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành với 56.900 tỷ đồng.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đứng thứ 2 trong các nhóm ngành.