Các doanh nghiệp bất động sản trực thuộc Bộ Xây dựng thua lỗ, lợi nhuận giảm sâu

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản khó khăn đã khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp liên quan đến ngành này không đạt kế hoạch năm 2023, chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, thua lỗ.

Tại Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề cập đến tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trong năm nay, Bộ đã ban hành và thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.

Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng thông tin đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty HUD; đang thẩm định Đề án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty VICEM.

Cùng với đó, đã có ý kiến để Người đại diện thông qua Đại hội đồng cổ đông đối với Đề án cơ cấu lại Tổng công ty COMA, LILAMA. Đang xem xét nội dung Đề án cơ cấu lại Tổng công ty HANCORP.

Một dự án nhà ở của HUD trên địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội (Ảnh: Di Anh).

Liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Xây dựng thông tin đã phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Sông Hồng.

Ở diễn biến mới nhất, VnExpress đưa tin, theo thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty VIGLACERA, đơn vị tư vấn đang triển khai thẩm định giá xác định giá cổ phần. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp; xử lý vướng mắc để quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang CTCP các Tổng công ty COMA, LILAMA, Sông Đà, FiCO.

Thị trường BĐS khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp địa ốc, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng... (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc, Bộ Xây dựng đánh giá: "Tình hình thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoạt động xây lắp, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ".

Theo số liệu do Bộ tổng hợp từ báo cáo hợp nhất của các đơn vị, trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt gần 57.482 tỷ đồng, bằng 85% so với cùng kỳ và bằng 88% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt hơn 54.000 tỷ đồng, bằng 84% so với cùng kỳ và bằng 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 1.380 tỷ đồng, bằng 34% so với cùng kỳ và bằng 88% hoạch năm.

Ở góc nhìn tổng quát, cơ quan này nhận định thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý. Thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư, gây khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Trong năm 2024, một số nhiệm vụ trọng tâm Bộ Xây dựng đặt ra gồm phê duyệt Đề án cơ cấu lại, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm Tổng công ty VICEM; hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera - CTCP; triển khai các thủ tục thoái vốn tại Tổng công ty LILAMA; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty HANCORP về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ngoài ra, Bộ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp; xử lý các tồn tại về cổ phần hóa, quyết toán vốn nhà nước chuyển sang CTCP (Sông Đà, Fico, Coma, Lilama).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Eurowindow sắp làm khu đô thị Sport City hơn 4.000 tỷ ở TP Vinh
Khu đô thị Eurowindow Sport City tại các phường Đông Vĩnh, Cửa Nam, TP Vinh có quy mô gần 38 ha, tổng mức đầu tư 4.054 tỷ đồng. Dự án vừa được giao đất đợt đầu với diện tích hơn 27 ha.