Thị trường bất động sản (BĐS) bước vào năm 2023 với hàng loạt khó khăn, vướng mắc chờ đợi được tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, cuối tháng 1/2023, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS đối với cả doanh nghiệp BĐS và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án BĐS hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường BĐS, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp BĐS, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…
Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp,...
Ngày 17/2, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. Buổi làm việc có sự tham gia của các tập đoàn BĐS hàng đầu cả nước như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Becamex, GP Invest...
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng...
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai Nghị quyết 33, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Các địa phương có nhiệm vụ kết luận các dự án BĐS đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được tiếp tục triển khai nhất là các dự án lớn. Chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án.
Về phía các doanh nghiệp cần cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa...
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến cuối tháng 9, TP HCM đã giải quyết vướng mắc cho 67/180 dự án BĐS, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Mới đây nhất, ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành thêm Công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa có hiệu lực thi hành với một số điểm mới, mở ra cánh cửa khơi thông thị trường.
Nghị định số 08 quy định doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; đơn vị phát hành sẽ được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Đồng thời, nghị định mới sẽ tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm tới hết năm 2023.
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong một tuần đầu tiên sau khi nghị định 08 được ban hành, các doanh nghiệp BĐS đã huy động được hơn 11.800 tỷ đồng từ trái phiếu.
Thông tin từ Bộ Tài chính, sau khi Nghị định số 08 được ban hành, đã có 179.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành. Kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng.
Cũng liên quan đến thị trường trái phiếu, ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức lên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ được các chuyên gia đánh giá là một bước tiến lớn cho thị trường này.
Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, hay còn được gọi là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo đó, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức.
Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%.
Tại phiên họp Quốc hội sáng 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố danh 53 dự án tham gia chương trình. Đến tháng 11, đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Một trong những điểm đáng chú ý được bổ sung tại Nghị định này là các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất (sổ hồng) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Nghị định số 10 được xem là tín hiệu vui với những nhà phát triển dự án, người mua sản phẩm căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và các loại công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ, kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc tồn tại bấy lâu trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel.
Kể từ khi Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 20/5, thị trường condotel sau đó đã có những tín hiệu ấm dần, song đến nay nhìn chung vẫn chưa có sự phục hồi rõ rệt. Theo giới chuyên gia, để tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý của loại hình này, cần thêm những chính sách tháo gỡ cụ thể, đồng bộ giữa các luật hiện hành.
Năm 2023 chứng kiến không ít lãnh đạo của các doanh nghiệp BĐS bị khởi tố. Trong đó, ngày 15/1, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Capella (Capella Holdings) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự.
Ngày 21/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố 4 bị can thuộc CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB Group) liên quan đến việc công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán.
Vào tháng 6, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại các doanh nghiệp nhóm APEC, gồm CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam.
Theo đó, có 5 bị can là lãnh đạo của nhóm APEC thuộc diện khởi tố, bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán, gồm: Ông Nguyễn Đỗ Lăng (Tổng giám đốc APS); ông Phạm Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT APS); bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ Nguyễn Đỗ Lăng); bà Nguyễn Thị Thanh (Kế toán trưởng APS); bà Phạm Thị Đức Việt (Phó phòng Dịch vụ khách hàng APS).
Mới đây nhất, ngày 30/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư LDG về tội Lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tối ngày 12/9, toà chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương (tính đến 19 giờ ngày 13/9).
Tối 13/9, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Nghiêm Quang Minh, chủ toà chung cư xảy ra hoả hoạn nói trên về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự. Tòa nhà này rộng gần 200 m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Vụ hỏa hoạn thương tâm này chính là bài học đắt giá phản ánh rủi ro về tính an toàn trong quá trình sử dụng loại hình chung cư mini.
Sau khi xảy ra vụ việc, một số chuyên gia kiến nghị không luật hóa chung cư mini, thay vào đó cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ loại hình này, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp sổ hồng riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.
Ngày 10/11, Tháp trung tâm tài chính thuộc dự án xây dựng Thành phố thông minh phía Bắc Thành phố đã được khởi công xây dựng tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Khu đất xây dựng Trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp có tổng diện tích 13,3 ha, quy mô dân số khoảng 1.800 người, mật độ xây dựng tối đa 22,9%, tầng cao 5 - 108 tầng.
Trong đó, Tháp trung tâm tài chính cao 108 tầng là công trình điểm nhấn của dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội. Dự án thành phố thông mình này có tổng mức đầu tư 94.348 tỷ đồng, thuộc địa phận các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ.
Dự án được chia làm 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khoảng 72,7 ha; giai đoạn 2 khoảng 67,5 ha; giai đoạn 3 khoảng 65,7 ha; giai đoạn 4 khoảng 30,2 ha và giai đoạn 5 khoảng 35,3 ha.
Về tiến độ, dự kiến giai đoạn 1 dự án sẽ triển khai từ quý I/2024 - quý IV/2025; giai đoạn 2 từ quý I/2026 - quý IV/2029; giai đoạn 3 từ quý I/2027 - quý IV/2030; giai đoạn 4 từ quý I/2028 - quý IV/2031 và giai đoạn 5 từ quý I/2029 - quý IV/2032.
Công an kết luận bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng
Ngày 17/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị CO3 đề nghị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ.
Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB.
Số tiền này tương đương với 6% GDP Việt Nam tính đến cuối quý III. Đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra một số vụ án ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS.
Trong vụ Tân Hoàng Minh, kết luận cho thấy, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, tập đoàn này đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Liên quan đến đến vụ việc Tập đoàn FLC, kết luận chỉ ra, trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/01/2022, Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Hồi tháng 8 vừa qua cũng đã diễn ra phiên xét xử ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) và 6 người liên quan đến vụ bán 488 căn hộ chung cư không phép dự án CT6 Kiến Hưng, thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.
Ngày 27 - 28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Cả hai luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và có nhiều điểm mới.
Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép cấp sổ hồng đối với căn hộ chung cư mini; không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; Tổng Liên đoàn Lao động được xây NOXH; bãi bỏ điều kiện cư trú trong quy định hưởng chính sách hỗ trợ NOXH; chuẩn hóa quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở.
Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cho phép người Việt Nam ở nước ngoài có quyền kinh doanh BĐS; doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải giao dịch qua ngân hàng; chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc tối đa 5% giá bán; không thu quá 95% giá trị hợp đồng nếu chưa cấp sổ; siết chặt phân lô, bán nền; khuyến khích giao dịch qua sàn thay vì bắt buộc.
Dưới góc nhìn của ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ Việt Nam, cả 2 luật liên quan mật thiết đến thị trường BĐS nói trên gần như đã "bịt" gần hết những "lỗ hồng" pháp luật. Đồng thời giúp giải quyết những chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật với nhau, qua đó có tác động tốt tới thị trường.
Song, cả Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đều chịu sự chi phối của bộ luật gốc là Luật Đất đai. Tuy nhiên luật này lại được dời lịch thông qua. Do đó, trong ngắn hạn, những tác động của 2 luật đến thị trường BĐS là không nhiều.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, hai luật vừa thông qua phải đợi tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa trong năm 2024, những chính sách mới chưa được mang vào áp dụng để tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án đang nằm đợi cơ chế. Từ đây, kéo theo nguồn cung năm sau chưa thể được cải thiện, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn.
Báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường BĐS nửa đầu năm nay tiếp tục tình trạng trầm lắng kéo dài của 2022. Nửa cuối năm, thị trường có những tín hiệu tích cực hơn, biểu hiệu rõ ràng nhất ở các phân khúc đất nền, chung cư có thanh khoản hơn.
Tuy nhiên, nếu tính đến hết quý III, có khoảng hơn 320.000 giao dịch thành công, ước đạt hơn 41% của năm 2022. Như vậy, lượng giao dịch sau ba quý vẫn chưa bằng nửa của năm ngoái. Chủ yếu giao dịch thành công trong phân khúc đất nền và chung cư, nhưng cũng chỉ bằng hơn 35% của năm 2022. Trong đó, lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ bằng hơn 63% so với năm 2022.
Số liệu từ Tổng cục thống kê còn cho thấy, tổng cộng 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ.
Còn theo VARS, tính đến đầu tháng 12, có 70% môi giới đã nghỉ việc, bỏ nghề. Từ 300.000 môi giới, hiện còn chưa đến 100.000 người đang hoạt động. Từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, gần 95% nhân sự ngành BĐS bị giảm thu nhập, trong đó 14% có thu nhập giảm 20 - 30%; hơn một nửa sụt 30 - 40% và khoảng 5% giảm trên 70% thu nhập.