Chiến lược bắt tay đối tác ngoại giúp Nam Long bứt tốc sau khủng hoảng, gia nhập nhóm doanh nghiệp lãi nghìn tỷ

Sau khủng hoảng thị trường những năm đầu thập niên 2010, Nam Long liên tục phát triển đi lên. Quy mô tài sản của doanh nghiệp này hiện đã tăng hơn 8 lần so với năm 2013.

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia và đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, một chu kỳ phát triển mới được dự báo sẽ xuất hiện trong năm 2024.

Bối cảnh này cũng tương tự với thời điểm cách đây 10 năm. Cụ thể, cuối năm 2013, thị trường bất động sản dần dần phục hồi sau khoảng 3 năm đóng băng. Cuộc khủng hoảng đầu thập niên 2010 đã khiến không ít doanh nghiệp địa ốc rời cuộc chơi.

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp khác đã phục hồi và từng bước vươn lên mạnh mẽ. Đến nay, quy mô tài sản của một số doanh nghiệp đã tăng cả chục lần so với 10 năm trước.

Nhân dịp thị trường chuẩn bị đón một chu kỳ phát triển mới, cùng nhìn lại hành trình phục hồi và đi lên sau khủng hoảng thập niên 2010 của một số doanh nghiệp lớn. 

Bài 2 - Chiến lược bắt tay đối tác ngoại giúp Nam Long bứt tốc sau khủng hoảng, gia nhập nhóm doanh nghiệp lãi nghìn tỷ

Sau khủng hoảng thị trường những năm đầu thập niên 2010, Nam Long liên tục phát triển đi lên. Quy mô tài sản của doanh nghiệp này hiện đã tăng hơn 8 lần so với 10 năm trước.

(Ảnh: CTCP Đầu tư Nam Long).

CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) có tiền thân là Công ty TNHH Nam Long, được thành lập vào năm 1992, với số vốn ban đầu là 700 triệu đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, trụ sở đặt tại TP HCM.  

Năm 1996, trong cơn “sốt đất” đầu tiên sau khi Việt Nam chính thức mở cửa với thế giới, Nam Long rẽ hướng sang đầu tư bất động sản với một loạt dự án mang thương hiệu Nam Long House. Đến năm 2003, trong cơn “sốt đất” lần 2, công ty mở rộng thị trường sang các tỉnh thành khác như Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,... với quy mô hàng chục ha mỗi dự án. 

Năm 2005, Nam Long chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ lên mức 55 tỷ đồng. 

Từ đó, công ty liên tục đón nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài, như Công ty Nam Việt (100% vốn từ Ngân hàng Goldman Sachs - Mỹ), quỹ ASPL (thuộc Tập đoàn Ireka - Malaysia) vào năm 2008, hay Vietnam Azela Fund (thuộc quỹ Mekong Capital - Mỹ) vào năm 2010, mặc dù khi đó, nền kinh tế thế giới đang chìm trong cơn khủng hoảng sau đợt phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào cuối năm 2008. 

Giai đoạn này, doanh thu Nam Long vẫn đạt mức tăng trưởng 2 chữ số, với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng hằng năm nhờ phân khúc căn hộ chung cư dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và khá, các dự án nổi bật có thể kể đến Chung cư An Viên, Chung cư Đông Sài Gòn...

Cuối năm 2010, quỹ đất của Nam Long đạt mức 567 ha. Một số dự án nổi bật có thể kể đến là Mizuki Park (Bình Chánh, TP HCM), Waterpoint (Long An), Nam Long - Hồng Phát (Cần Thơ), Vĩnh Phú (Bình Dương),... 

Nỗ lực bán đất nền, "nhặt tiền lẻ" mảng xây dựng để chèo chống qua thời khó khăn 

Giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam “ngấm đòn” khủng hoảng, thị trường bất động sản trong nước bước vào thời kỳ đóng băng. 

Doanh thu của Nam Long giai đoạn này cũng liên tiếp giảm, đặc biệt là ở các dòng sản phẩm biệt thự và chung cư. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm, thậm chí về quanh mức 30 tỷ đồng trong hai năm 2012 - 2013, là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2008. 

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Long cũng liên tục âm hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn này do tồn kho bất động sản ngày một tăng cao, chủ yếu đọng tại các dự án như Mizuki Park, Ehome Tây Sài Gòn.

Cơ cấu tài sản của Nam Long theo năm. Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản của Nam Long đạt mức 27.693 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần so với thời điểm năm 2013. (Nguồn: TN tổng hợp).

Trước bối cảnh này, Nam Long đã tập trung nguồn lực và dòng tiền vào phân khúc căn hộ bình dân (Ehome) và tạm ngưng các dự án thuộc các phân khúc cao cấp đến khi thị trường hồi phục. Đặc biệt, bán đất nền và xây nhà giá rẻ được coi là hướng đi chính của công ty trong giai đoạn khó khăn.

Điều này cũng được thể hiện rõ thông qua kết quả kinh doanh của Nam Long. Đơn cử như trong năm 2012, khi toàn thị trường đang ở đáy khủng khoảng, doanh thu từ bán đất nền đã giúp Nam Long thu về gần 210 tỷ đồng, vượt sản phẩm chung cư và trở thành mảng đóng góp lớn nhất (hơn 45%) vào tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 - 2012, công ty ghi nhận thêm doanh thu từ một số mảng kinh doanh mới là kinh doanh bất động sản và xây dựng, đóng góp một phần vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, mảng xây dựng mang về tổng số hơn 60 tỷ đồng trong hai năm 2011-2012, khá khiêm tốn nhưng cũng phần nào giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt khủng hoảng thị trường. 

Sang năm 2013, khi thị trường có tín hiệu phục hồi, mảng nhà phố của Nam Long mang về doanh thu nhảy vọt, đạt hơn 245 tỷ đồng. Doanh thu từ nhà phố chỉ xếp sau loại hình chung cư và chiếm hơn 40% trong tổng doanh thu thuần, trong khi các năm trước chiếm chưa đến 10% (67,5 và 38,5 tỷ đồng lần lượt vào năm 2011 và 2012).  

Lên sàn đón chu kỳ mới

Đầu năm 2013, Nam Long cũng chính thức đưa hơn 95,5 triệu cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã NLG, qua đó kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia phát triển. 

Cuối năm 2013, Nam Long đã đạt được mọi thỏa thuận về điều kiện góp vốn và đến đầu năm 2014 đã phát hành thành công 25,5 triệu cổ phiếu cho 7 nhà đầu tư mới, trong đó có IFC (International Financial Corporation) - một thành viên của World Bank (WB). 

Đến nay, IFC vẫn là một trong đối tác tài chính lớn của Nam Long khi rót 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp thông qua kênh trái phiếu hồi cuối năm 2022, trong bối cảnh kênh huy động vốn này đang bị thắt chặt. 

 Cơ cấu nợ phải trả của Nam Long theo năm. (Nguồn: TN tổng hợp).

Không chỉ IFC, trong năm 2014 - 2015, nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước khác cũng trở thành cổ đông mới của Nam Long, như Quỹ đầu tư Bridger Capital (Mỹ), Quỹ Probus Asia, Keppel Land (Singapore), đồng thời hợp tác phát triển dự án với Hankyu Hanshin Properties và Nishitetsu Group (Nhật Bản). 

Các đối tác Nhật Bản này đã hợp tác cùng Nam Long phát triển các dự án như Fuji và Kikyo Residence (nằm trong Khu đô thị Nam Long Phước Long Phú Hữu), Mizuki Park, Akaki City, Waterpoint hay Izumi City từ năm 2016 đến nay. 

Lợi nhuận đạt đỉnh giữa thời Covid-19

Kết quả kinh doanh của Nam Long theo năm. (Nguồn: TN tổng hợp).

Song song với đó, giai đoạn 2014 - 2016, bức tranh kinh tế vĩ mô nói chung và ngành bất động sản nói riêng đã bắt đầu có những nét chuyển biến tích cực và đang rục rịch cho kỳ tăng trưởng tiếp theo. 

Nhân bối cảnh này, Nam Long cho ra mắt 3 dòng sản phẩm mới là Flora – căn hộ biệt lập vừa túi tiền, Valora - nhà phố, biệt thự nằm trong khu được quy hoạch biệt lập và Ehome S - dòng nhà ở xã hội giá rẻ cho người thu nhập thấp.

Kết quả kinh doanh của Nam Long theo đó dần phục hồi và tăng trưởng đều qua các năm, chủ đạo là dòng sản phẩm Flora và Ehome/Ehome S. Năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.480 tỷ đồng và 887 tỷ đồng, đều là những kết quả năm cao nhất mà công ty ghi nhận cho đến thời điểm đó. 

Sang giai đoạn 2019 - 2020, thị trường bất động sản chững lại do các đợt thanh tra của Chính phủ đối với bất động sản và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh thu thuần Nam Long cũng giảm so với giai đoạn 2016 - 2018 trước, song lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao nhờ các khoản thu nhập “tay trái”. 

Năm 2019, lợi nhuận sau thuế Nam Long lần đầu cán mốc nghìn tỷ nhờ lãi mua rẻ công ty con, dù doanh thu thuần giảm 27%. Sang năm 2020, doanh thu thuần tiếp tục giảm về mức thấp hơn năm 2016, song lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì trên 850 tỷ đồng nhờ thanh lý khoản đầu tư. 

Đến quý IV/2021, nhờ hai dự án gối đầu là Akari City và Waterpoint và chiến lược bán hàng online, doanh thu Nam Long “bứt tốc” sau gần một năm chững lại vì Covid-19. Tính riêng trong quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 4.418 tỷ đồng, tăng 381% so với cùng kỳ (99% là từ bán căn hộ) và chiếm gần 85% trong tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp. Do đó, lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Nam Long cán mốc đạt 1.478 tỷ đồng, cũng khoản lãi cao nhất của công ty cho đến nay. 

 Dự án Akari City đang được thi công. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Đà tăng trưởng không kéo dài lâu, doanh thu, lợi nhuận Nam Long tiếp tục “đi lùi” trong năm 2022 và 3 quý đầu năm 2023. Lũy kế 3 quý đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế Nam Long đạt 319 tỷ đồng, mới thực hiện 34,7% mục tiêu lợi nhuận năm.

Song, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Nam Long, công ty có thể thực hiện khoảng 80% mục tiêu lợi nhuận năm nay (tương đương ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 416 tỷ đồng trong quý IV). Tính riêng trong hai tháng 10 và 11, công ty đã ghi nhận doanh số khoảng 1.269 tỷ đồng đến từ 3 dự án Waterpoint, Akari City và Mizuki Park.