Hà Đô và hành trình lên đỉnh cao lợi nhuận nhờ mảng năng lượng

Sau cuộc khủng hoảng thị trường đầu thập niên 2010, Hà Đô dần dần đi lên và có bước phát triển nhảy vọt trong giai đoạn 2017 - 2022 với nhiều năm liên tiếp lợp nhuận hơn nghìn tỷ đồng.

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia và đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, một chu kỳ phát triển mới được dự báo sẽ xuất hiện trong năm 2024.

Bối cảnh này cũng tương tự với thời điểm cách đây 10 năm. Cụ thể, cuối năm 2013, thị trường bất động sản dần dần phục hồi sau khoảng 3 năm đóng băng.

Cuộc khủng hoảng đầu thập niên 2010 đã khiến không ít doanh nghiệp địa ốc rời cuộc chơi. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp khác đã phục hồi và từng bước vươn lên mạnh mẽ. Đến nay, quy mô tài sản của một số doanh nghiệp đã tăng cả chục lần so với 10 năm trước.

Nhân dịp thị trường chuẩn bị đón một chu kỳ phát triển mới, cùng nhìn lại hành trình phục hồi và đi lên sau khủng hoảng thập niên 2010 của một số doanh nghiệp lớn.

Bài 3: Hà Đô và hành trình lên đỉnh cao lợi nhuận nhờ mảng năng lượng

Sau cuộc khủng hoảng thị trường đầu thập niên 2010, Hà Đô dần dần đi lên và có bước phát triển nhảy vọt trong giai đoạn 2017 - 2022 với nhiều năm liên tiếp lợp nhuận hơn nghìn tỷ đồng. 

 (Ảnh: Hà Đô)

Cổ phần hóa, niêm yết ngay trước thềm "vỡ bong bóng bất động sản"

CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) có tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc viện kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng ra đời ngày 9/10/1990 nhằm đáp ứng cho nghiên cứu khoa học quân sự, phục vụ kinh tế dân sinh.

Năm 1994, Hà Đô chính thức tham gia lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản trong bối cảnh Luật Đất đai 1993 ra đời và có hiệu lực và Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam.

Với thế mạnh là doanh nghiệp có nguồn gốc quân đội, Hà Đô phát triển các dự án khu đô thị cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng như Chung cư Hoàng Quốc Việt cho cán bộ nhân viên Viện Khoa học công nghệ quân sự, Khu nhà ở Z751A, B tại TP HCM cho Tổng cục kỹ thuật, Khu nhà ở Hoàng Văn Thái cho Quân chủng, dự án Nguyễn Văn Công - TP HCM, dự án Đại Mỗ - Từ Liêm, Hà Nội cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng,...

Công ty cũng được ưu tiên tiếp cận phần đất không còn được sử dụng phục vụ cho mục đích quân sự, có vị trí đắc địa với chi phí thấp, trong đó có nhiều địa điểm tại TP HCM và Hà Nội phù hợp với việc phát triển các dự án nhà ở. 

Năm 2004, Hà Đô cổ phần hóa và bắt đầu hoạt động theo hướng tập đoàn, hoạt động trong ba lĩnh vực, bao gồm xây dựng, phát triển dự án bất động sản và thủy điện.

Năm 2007, Hà Đô bắt đầu thi công hai dự án Z751 tại quận Gò Vấp, TP HCM và dự án Chung cư Hoàng Sâm tại quận Cầu Giấy. Hai dự án này cùng dự án N04B2 tại Cầu Giấy, Hà Nội đã được bàn giao trong năm 2009, qua đó giúp cho lợi nhuận của công ty tăng trưởng trong các năm 2009 - 2010, khi tình hình thị trường bất động sản trong nước đang có dấu hiệu đi xuống do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm 2010, Hà Đô chính thức đưa cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã HDG, đồng thời đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn Hà Đô như hiện tại.

Thời điểm này, doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của loạt dự án tại Hà Nội và TP HCM như Khu đô thị An Khánh An Thượng, dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, dự án khách sạn Mercure Hado – Cát Linh, dự án Văn phòng SouthBuilding, khu nhà ở X3 Từ Liêm, dự án Trung Hòa Nhân Chính, dự án Thạch Mỹ Lợi,... và một dự án tại Lào là Khu đô thị mới Noỏng Tha. 

 Cơ cấu tổng tài sản của Hà Đô theo năm. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp theo BCTC DN).

Tập trung vào các dự án có thể thu tiền ngay khi thị trường gặp khó

Năm 2011, bất chấp thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đóng băng, doanh thu của Hà Đô vẫn tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 1.117 tỷ đồng nhờ hoạt động bán hàng và thu hồi vốn tại dự án 183 Hoàng Văn Thái. 

Song, giá vốn và chi phí quản lý tăng cao kéo lợi nhuận Hà Đô giảm 54% còn 131,3 tỷ đồng. Biên lợi nhuận thuần đạt 12%, cũng giảm so với con số 31% của năm 2010.

Sang năm 2012, việc triển khai bán hàng và thi công tại các dự án Nguyễn Văn Công, An Khánh, CC1, Nọong Tha không đạt kỳ vọng khiến doanh thu bất động sản của công ty giảm mạnh, kéo tổng doanh thu thuần giảm gần 17% so với năm 2011. 

Biên lợi nhuận thuần trong năm 2012 tiếp tục đà giảm về mức 4,2%, thấp nhất kể từ năm 2006. Lợi nhuận cũng giảm về mức 39 tỷ đồng trong năm 2012. 

Dòng tiền kinh doanh của Hà Đô cũng âm trong hai năm này do tồn kho bất động sản ngày một tăng cao, chủ yếu là các dự án như Nguyễn Văn Công, Khu đô thị An Khánh, Khu đô thị mới Noong Tha (Lào),... 

Trước bối cảnh này, công ty đã giãn tiến độ thi công một số dự án như CC1, Bảo Đại… và chuyển đổi mục đích đầu tư cho phù hợp.

Hà Đô cũng tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng tại các dự án có thể thu tiền ngay như Nguyễn Văn Công, Hà Đô Park View Dịch Vọng,... đồng thời thành lập các đơn vị thành viên để quản lý, nâng cao hiệu quả Sàn giao dịch Bất động sản Hà Đô (thành lập từ năm 2008), nâng cao hoạt động cung cấp dịch vụ trong các dự án đã triển khai để tận dụng tối đa mọi nguồn thu từ các dự án. 

Bên cạnh đó, công ty liên tục tăng vốn điều lệ để đảm bảo vốn cho đầu tư sản xuất, đồng thời tăng vay nợ các ngân hàng như MBBank, OCB, Agribank,... và rút bớt khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vào tiền gửi ngân hàng để giải cơn “khát vốn”. 

 Quá trình tăng vốn điều lệ của Hà Đô. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp).

Sang năm 2013, tình hình kinh doanh của Hà Đô bắt đầu khởi sắc khi bán được gần hết căn hộ ở dự án Hà Đô Park View, dự án Khu nhà ở Cán bộ chiến sỹ Nguyễn Văn Công, đồng thời việc thu hồi vốn tại dự án Đồng Mai, Hà Nội cũng đạt hiệu quả. 

Doanh thu trong năm này tăng 6,3% so với cùng kỳ lên gần 990 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp tăng hơn 10 điểm %. Ngoài ra, trong năm, công ty cũng đầu tư vào một công ty con và đã thanh lý khoản đầu tư này, qua đó tăng doanh thu tài chính lên gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. 

Lợi nhuận năm 2013 của Hà Đô qua đó tăng gấp 2,7 lần lên mức 143,2 tỷ đồng. Khoản người mua trả tiền trước tại thời điểm cuối năm 2013 cũng tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên hơn 751 tỷ đồng. 

Nhờ đó, dòng tiền kinh doanh của Hà Đô dương trở lại trong năm 2013 và đủ bù đắp cho các khoản chi cho hoạt động đầu tư, trả nợ trong kỳ của doanh nghiệp.

Tại thời điểm cuối năm 2013, công ty đã trả hết toàn bộ số nợ vay và lãi ở các ngân hàng, đồng thời vẫn còn hơn 350 tỷ đồng tiền mặt để đáp ứng thanh khoản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Cơ cấu nợ phái trả của Hà Đô theo năm. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp theo BCTC ).

"Gà đẻ trứng vàng" - Hà Đô Centrosa Garden trong thời hưng thịnh

Giai đoạn 2014 - 2018, theo đà hồi phục của thị trường, doanh thu, lợi nhuận của Hà Đô cũng tăng trưởng cùng chiều với chủ đạo là bất động sản và xây dựng. 

Một số dự án bất động sản tiêu biểu có thể kể đến trong giai đoạn này có thể kể đến Hà Đô Centrosa Garden (quận 10, TP HCM), Hà Đô Riverside (quận 12, TP HCM), Hà Đô Dragon City (Hoài Đức, Hà Nội), Hà Đô Parkside (Cầu Giấy, Hà Nội), Noongtha Central Park (Lào),..., đồng thời cũng lên kế hoạch mở rộng ra các địa phương khác như Đà Nẵng, Cần Thơ,...

Bên cạnh đó, từ năm 2016, mảng thủy điện của Hà Đô cũng bắt đầu ghi nhận doanh thu, đóng góp lần lượt 10% - 14% - 11% trong tổng doanh thu thuần trong ba năm 2016 - 2018. 

 Kết quả kinh doanh của Hà Đô theo năm. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp theo BCTC DN).

Bên cạnh đó, tại cuối năm 2018, công ty cũng đang ghi nhận 3.221 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước, phần lớn tại dự án Hà Đô Centrosa Garden.

Nhờ dự án này, trong giai đoạn 2019 - 2021, bất chấp thị trường bất động sản, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, chững lại do hoạt động thanh tra và dịch Covid-19, doanh thu bất động sản của Hà Đô vẫn tăng trưởng tốt và giữ vị thế chủ đạo trong bức tranh kinh doanh. 

Cũng trong năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Hà Đô lần đầu vượt mốc nghìn tỷ và giữ đà tăng trưởng trong giai đoạn 2019 - 2021. 

Ngoài “gà đẻ trứng vàng” Hà Đô Centrosa Garden, công ty cũng gối đầu một dự án trọng điểm mới là Hado Charm Villas (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Giai đoạn cuối năm 2020 - đầu năm 2021, công ty đã lần lượt mở bán hai đợt dự án này và đạt tỷ lệ hấp thụ 94% sau hai ngày mở bán. 

 Dự án Hado Charm Villas. (Ảnh: Hà Đô).

Mảng năng lượng đưa Hà Đô lên đỉnh cao lợi nhuận 

Sang đầu năm 2022, cùng với tác động của tình hình thế giới, thị trường bất động sản trong nước bắt đầu “lao dốc”.  

Doanh thu bất động sản của Hà Đô ngay từ quý I/2022, doanh thu bất động sản đã giảm hơn 86% so với cùng kỳ. Công ty cũng liên tục trì hoãn mở bán đợt 3 đối với dự án Hado Charm Villas cho đến nay với lý do diễn biến thị trường chưa phù hợp. Trong khi đó, hai dự án Hà Đô Green Lane và Hado Minh Long tại TP HCM vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, cũng từ quý I/2022, doanh thu mảng năng lượng (thủy điện và điện mặt trời, điện gió) tăng trưởng mạnh và vượt bất động sản trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp cho đến nay.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2022 là 1.362 nghìn tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất của Hà Đô cho tới nay.

Hiện, công ty đang có kế hoạch mở bán đợt 3 dự án Hado Charm Villas trở lại vào quý I/2024. Ban lãnh đạo Hà Đô cho biết có quan điểm lạc quan về triển vọng của đợt mở bán này, do nguồn cung ở phía tây Hà Nội thấp và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực.