Dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn: Bộ GD&ĐT cần làm rõ!

Thời gian qua, báo Người Đưa Tin đã nhận được nhiều phản ánh của độc giả về kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tổ chức tại Lạng Sơn. Trong số đó, có một danh sách nhiều thí sinh đạt điểm cao khối C tại địa phương này.

Cụ thể, tại cụm thi số 17 – Lạng Sơn năm 2016 do đại học Xây dựng chủ trì có kết quả cao vượt trội so với các địa phương khác. Trong TOP 13 thí sinh đạt điểm cao nhất khối C (Văn – Sử - Địa) kỳ thi THPT Quốc gia 2016 toàn quốc, thì cụm thi này có đến 6 thí sinh.

“Cả nước có 70 cụm thi, rất nhiều địa phương có truyền thống tốt mà lại có ít điểm cao. Trong khi đó, Lạng Sơn là một tỉnh vùng núi nhiều khó khăn, ít thí sinh thi mà lại nhiều em đạt điểm cao thì đó là một sự bất thường”, thầy giáo Trần Trung Hiếu – Giáo viên trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An đặt nghi vấn.

Dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn: Bộ GD&ĐT cần làm rõ! - Ảnh 1.

Trong danh sách điểm thi cao khối C tại Lạng Sơn, có nhiều thí sinh tự do, tham dự kỳ thi khi đã lớn tuổi.

Cũng trong thống kê về kỳ thi THPT Quốc gia 2016 mà báo Người Đưa Tin nhận được, trong khi khối C năm đó điểm trung bình toàn quốc là 14,5 thì tại Lạng Sơn, điểm trung bình khối C là 17,849. Địa phương này cũng sở hữu số thí sinh có điểm khối C cao đột biến: Số thí sinh trên 20 điểm là 566 thí sinh; số thí sinh có điểm trên 24 là 158; và trên 27 điểm là 21 thí sinh.

Trong số những em có điểm trên 27 điểm, có nhiều em là thí sinh tự do, có nguyện vọng xét tuyển vào các trường khối Công an.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin về những nghi vấn này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: “Năm 2016, chúng tôi chủ trì cụm thi địa phương dành cho thí sinh chỉ lấy kết quả tốt nghiệp. Còn năm đó đại học Xây dựng về chủ trì và phối hợp với các trường chuyên nghiệp tại địa phương tổ chức thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng”.

Khi được hỏi về những con số cao về điểm thi, đặc biệt là trong khối C, ông Tuấn cho biết đây là cụm thi do đại học Xây dựng chủ trì nên ông không thể đánh giá nhiều: “Năm đó toàn bộ thí sinh tự do xét đại học thì thi ở cụm do đại học Xây dựng chủ trì, trong đó có nhiều cháu xét vào ngành công an, bộ đội. Tôi cho rằng kết quả là nghiêm túc, phản ánh được kết quả dạy và học”.

“Đối với cụm thi do đại học Xây dựng tổ chức họ chủ động về mọi mặt. Về con người, họ lấy thêm giảng viên của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn để phối hợp công tác coi thi. Tỉnh chỉ hỗ trợ trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, bảo quản đề/bài thi.

Dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn: Bộ GD&ĐT cần làm rõ! - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn.

Đến khi thi xong, trường đại học Xây dựng lại mang bài thi về dưới Hà Nội để chấm. Sau đó, họ chỉ gửi cho chúng tôi phiếu kết quả của những em xét tốt nghiệp”, vị Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết.

Đối với cụm thi do địa phương mình chủ trì, ông Tuấn khẳng định kỳ thi được tổ chức với tinh thần nghiêm túc. “Đề thi chúng tôi đặt đại học Bách khoa Hà Nội sao, in chứ không tự làm tại địa phương để đảm bảo an toàn. Kết thúc kỳ thi rất an toàn”, ông Tuấn cho hay.

Với góc độ nhiều năm dạy học sinh ôn thi đại học, THPT Quốc gia, thầy Trần Trung Hiếu khẳng định, để đạt được 24 điểm cho khối C là không hề dễ: “Lạng Sơn có 158 thí sinh có điểm trên 24 ở khối C, nhìn bảng điểm rất bất thường. Trong khi đại học khối C để làm được 24 điểm không hề dễ. Xét về tương quan địa phương cũng rất kỳ lạ, các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh nhiều năm có điểm cao nhưng năm đó lại có tỷ lệ điểm khối C thấp hơn so với Lạng Sơn”.

Thầy Hiếu cũng cho rằng, để trả lời được câu hỏi “tại sao lại bất thường?” thì bộ GD&ĐT, bộ Công an cần vào cuộc làm rõ.

“Quan điểm của cá nhân tôi là phải triệt để, lấy lại công bằng cho kỳ thi mang tính Quốc gia. Khi các cơ quan chức năng đã vào điều tra ra những sai phạm trong kỳ thi 2018, cũng nên mở rộng điều tra những năm trước đó ở một số địa phương mà dư luận phản ánh”, thầy Hiếu nêu quan điểm.

Thầy giáo này cũng cho rằng, đây cũng là cách để tránh những nghi ngờ: “Nếu như điều tra ra có sai phạm phải xử lý nghiêm. Không sai phạm cũng chứng minh cho địa phương”.

Nói về những khả năng tiêu cực có thể xảy ra ở kỳ thi “2 trong 1” năm 2016, thầy Hiếu nói: “Trong kỳ thi có các khâu sau: Chuẩn bị thi; ra đề thi làm đáp án; coi thi; chấm thi và lên danh sách trúng tuyển. Khâu dễ xảy ra tiêu cực nhất chính là khâu coi thi. Dù là trường đại học về chủ trì, nhưng họ có phối hợp với trường chuyên nghiệp của địa phương, và rất dễ xảy ra “sự thỏa hiệp”.

Người ta thừa biết rằng thí sinh thi ở Cụm nào là con em tỉnh đó, sẽ khó có được sự sòng phẳng, dù hội đồng thi đến từ đâu. Nếu như người ta muốn, thì không có điều gì là không thể xảy ra. Thi trắc nghiệm chỉ cần 5 đến 10 phút nới lỏng là hoàn toàn có thể thay đổi nhiều chuyện”.

Năm 2018 tổ công tác của bộ GD&ĐT đã đến làm việc tại Lạng Sơn, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi năm 2018. Tổ công tác gồm cán bộ cục Quản lý chất lượng, Thanh tra bộ GD&ĐT và A83 bộ Công an. Sau nhiều ngày làm việc, đoàn công tác khẳng định không có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài thi môn Ngữ Văn thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định.


chọn
Cận cảnh khu đất hơn 4 ha giáp phân khu Sông Hồng sắp đấu giá ở quận Bắc Từ Liêm
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất 4,35ha, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đang hoàn thiện hạ tầng.