Theo Đề án một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An của Chính phủ, dự kiến tổng nhu cầu vốn cần thiết để Nghệ An đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư giai đoạn 2021- 2025 là 107.982 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án triển khai trong Khu kinh tế Đông Nam và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến khoảng 19.400 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò 4.300 tỷ đồng; xây dựng cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp tại khu vực Đông Hồi 8.500 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đông Hồi 5.500 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Quỳ Hợp 200 tỷ đồng và Nghĩa Đàn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu tư hệ thống hạ tầng trọng điểm như sân bay, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng du lịch, hạ tầng kinh tế xã hội khu vực miền tây Nghệ An đến năm 2025 là 87.050 tỷ đồng.
Chi phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất nhằm khắc phục kịp thời các hư hỏng, tăng tuổi thọ cho các công trình cầu đường, hệ thống thủy lợi và các hồ đập đến năm 2025 là 1.532 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình thu hút đầu tư thực tế các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tập trung của tỉnh Nghệ An, nhất là các dự án mới đầu tư trong các khu công nghiệp VSIP, WHA IZ 1, Hoàng Mai 1, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế Đông Nam sẽ thu hút được trên 100 dự án đầu tư, trong đó có trên 30% dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD.
Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng (2-4 dự án) gồm mở rộng VSIP Nghệ An và dự án VSIP 2 của Công ty TNHH VSIP Nghệ An; dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc của CTCP WHA Industrial Zone Nghệ An; dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 của CTCP Hoàng Thịnh Đạt.
Đến năm 2025, khi các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, doanh thu ước đạt 80.000 - 90.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt: 10.000 - 15.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt: 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Đối với các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An dự kiến số vốn tỉnh vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 4.392,15 tỷ đồng. Các dự án đã ký hiệp định đang triển khai thực hiện với số vốn vay lại sẽ giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 là 522,65 tỷ đồng
Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh (WB) với tổng mức đầu tư 4.514 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương vay lại 1.504,5 tỷ đồng.
Tiểu dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai, thuộc dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ (AFD) với tổng vớn đầu tư 827 tỷ đồng.
Ngoài ra, đề án lần này cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô từ 50 ha trở lên.
HĐND tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An được thành lập tại vào tháng 6/2007, diện tích tự nhiên 18.826,47 ha.
Đến tháng 12/2014, diện tích Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được điều chỉnh lên 20.026,47 ha, trong đó bao gồm phần diện tích hiện hữu là 18.826,47 ha và phần diện tích điều chỉnh tăng thêm 1.200 ha toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc địa bàn 4 phường, xã của thị xã Hoàng Mai.
Đến nay, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có tổng diện tích 20.776,47 ha, trong đó bao gồm phần diện tích hiện hữu là 20.026,47 ha và diện tích 750 ha Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên và TP Vinh.
Đây là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam, là trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị lớn của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tính đến tháng 7/2021, Khu kinh tế Đông Nam có 257 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70.189 tỷ đồng, tương đương 3,03 tỷ USD; trong đó có 52 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,09 tỷ USD, chiếm 75% nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.