Dạy con thời 4.0: Trẻ 'nghiện' smartphone, cha mẹ nên làm gì?

Hiện nay, nhiều trẻ suốt ngày "dán mắt" vào chiếc điện thoại thông minh (smartphone) khiến không ít bậc cha mẹ bối rối. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp thế nào cho câu chuyện này?

Tại sao trẻ 'nghiện' smartphone?

Chiều 25/5, buổi tọa đàm "Cha mẹ thời 4.0: Con 'nghiện' smartphone" đã được Công ty TNHH Sách Nhật Bản Wabooks phối hợp tổ chức tại trường Mầm non Quốc tế Ecokids (Thanh Xuân, Hà Nội) thu hút sự chú ý đông đảo của các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có con nhỏ. 

Dạy con thời 4.0: Trẻ nghiện smartphone, cha mẹ nên làm gì? - Ảnh 1.

Các khách mời của tọa đàm (từ phải qua): MC Thanh Hằng (chị Kính Hồng trong chương trình Chúc bé ngủ ngon của VTV3); chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo ban tổ chức, các con số từ nghiên cứu về mức độ sử dụng smartphone chỉ ra rằng, có khoảng 87% trẻ em ở khu vực Đông Nam Á sử dụng điện thoại thông minh. Trong đó, có hơn một nửa số trẻ đang sở hữu cho mình một chiếc smartphone. Điều này cho thấy, smartphone đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến thói quen sinh hoạt của trẻ. 

Hiện nay, ở Việt Nam diễn ra tình trạng có nhiều ông bố bà mẹ đang lạm dụng sử dụng smartphone, máy tính bảng và các thiết bị công nghệ khác để dỗ con ăn, dụ con giữ im lặng khi bố mẹ làm việc... Vô hình trung, trẻ đã bị 'nghiện' smartphone từ những động tác này và dẫn tới nhiều hệ lụy. 

Chia sẻ tại toạ đàm, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa, cựu giảng viên bộ môn Văn học và Tâm lý học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Tất cả những thiết bị gì ta dùng mà đến khi không có nữa ta không thể chịu nổi thì đó là nghiện. Nếu trẻ em nào chơi smartphone trong thời gian dài mà ta cấm trẻ chơi, trẻ lăn ra khóc đòi chơi thì đó là dấu hiệu của 'nghiện' smartphone. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, bản thân smartphone có sức hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi chứ không chỉ riêng trẻ em. Có nhiều bậc cha mẹ trong khoảng từ 30 - 40 tuổi cũng 'nghiện' smartphone nên rất khó nói được con. 

Nếu trẻ em dùng smartphone để học ngoại ngữ thì rất hiệu quả, nhất là các phần mềm dạy trẻ về phát âm chuyển thành văn tự. Các trò chơi giải trí trên smartphone cũng rất hấp dẫn người chơi thì có thể kéo dài thời gian chơi một cách quán tính. Theo các nhà nghiên cứu, đến năm 2021, tỉ lệ người sử dụng smartphone trên toàn thế giới có thể tăng đến con số hơn 70%. 

Thứ hai, các bậc cha mẹ đang quá nuông chiều con, con đòi cái gì cũng đáp ứng. Từ thực tế tiếp xúc, tôi cho rằng trong mỗi gia đình nên có vợ hoặc chồng phải nhận 'vai ác' khi dạy con cái. Còn nếu cả hai đều hiền quá thì trẻ không sợ ai cả thì sẽ dễ hư hơn. Nhiều người sử dụng cách cho con chơi smartphone như một phần thưởng khi ngoan ngoãn, vậy là đã vô tình tiếp tay cho trẻ 'nghiện' smartphone".

Trẻ 'nghiện' smartphone có nguy cơ bị rối loạn thần kinh cao gấp 4 - 5 lần trẻ bình thường

Dạy con thời 4.0: Trẻ nghiện smartphone, cha mẹ nên làm gì? - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chỉ ra những nguyên nhân của trẻ 'nghiện' smartphone. Ảnh: Đình Tuệ.

Ông Hòa cũng cho hay: "Ai 'nghiện' smartphone có nguy cơ bị rối loạn thần kinh cao gấp 4 - 5 lần trẻ bình thường. Bức xạ của điện thoại tác động vào não của trẻ rất lớn, vì trẻ dưới 2 tuổi có thành phần dung dịch trong não nhiều hơn người lớn, vỏ não của trẻ mỏng nên sức cản bức xạ cũng kém hơn. 

Cho nên, khi ngủ không nên để điện thoại ở ngay đầu giường của con, nhất là điện thoại kết nối internet. Đặc biệt, điện thoại sạc pin để gần trẻ lúc ngủ còn nguy hại hơn gấp hàng nghìn lần không sạc. 

Ngoài ra, mắt của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi bức xạ điện thoại tới mắt trẻ. Cho nên, bố mẹ không nên chụp ảnh hay quay phim trẻ dùng ánh đèn flash. Con dễ bị ảnh hưởng bởi smartphone do quá lạm dụng. Có điện thoại thì trẻ không quan tâm đến ai nữa nên gây tác hại về mặt tâm lý".

Ông Hòa cho biết, theo nghiên cứu của khoa học, trẻ từ 0 – 36 tháng tuổi tiếp nhận lượng thông tin cực lớn, ngang bằng với lượng thông tin của trẻ từ 3 tuổi đến hết cuộc đời.

Nếu trẻ chỉ lúi húi đến điện thoại thì mất đi lượng tiếp nhận thông tin từ bên ngoài. Nếu trẻ không chơi điện thoại thì sẽ hỏi tại sao lại có mưa, bão, sấm, chớp… Nhất là khi trẻ từ 5, 6, 7 tuổi là giai đoạn có '1001 câu hỏi vì sao?'. Khi bố mẹ trả lời câu hỏi trẻ khôn hơn nhiều so với trẻ "chúi mũi" vào điện thoại.

Trẻ từ 1 - 3 tuổi, bố mẹ cần quan tâm đến trẻ để không bị nguy cơ thiểu năng trí tuệ. Trẻ mải xem trò chơi ở những tư thế khác nhau dễ làm nghẹo đầu nghẹo cổ, dễ dẫn tới khả năng bị cong vẹo cột sống...

"Ngoài ra, các bố mẹ cần lưu ý khi ứng xử với trẻ lúc các con đã 'nghiện' smartphone rồi, đó là giảm dần dần nhịp độ, thời lượng cho trẻ sử dụng điện thoại. Không phải là làm 'một phát ăn ngay' hay ra lệnh cấm trẻ phải dùng sử dụng smartphone ngay lập tức, chắc chắn trẻ sẽ phản ứng. 

Bố mẹ cần tâm sự, trò chuyện và chơi với con nhiều hơn. Từ đó làm giảm sự tập trung của trẻ tới chiếc smartphone bằng những trò chơi như đá bóng, nghe nhạc các bài hát phù hợp lứa tuổi, hoặc thậm chí vào bếp nấu ăn với bố mẹ... Tất cả cần làm một cách linh hoạt, nhẹ nhàng để trẻ dần dần tăng sự tương tác với mọi người xung quanh", chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói. 

Bố mẹ nên dành tình yêu thương cho con nhiều hơn là công việc

MC Thanh Hằng chia sẻ lại câu chuyện của chính ông xã mình lúc phải ở nhà trong vai một 'ông bố bỉm sữa' chăm con khi bé mới hơn 5 tháng tuổi. 

Dạy con thời 4.0: Trẻ nghiện smartphone, cha mẹ nên làm gì? - Ảnh 3.

MC Thanh Hằng (vai chị Kính Hồng trong chương trình 'Chúc bé ngủ ngon' của VTV3). Ảnh: Đình Tuệ.

"Thông thường, các ông chồng để mà kiên nhẫn chăm một đứa trẻ từ sáng đến chiều thì rất khó. Mỗi khi con chưa ngoan thì bố lại cầm điện thoại lên xem có gì hay ho không để giải quyết công việc. Nhìn sang con thì thấy con đang nhìn lại mình với ánh mắt rất thương, tại sao bố ở kia lại không chơi với mình. 

Ở những lần tiếp theo, khi bố tiếp tục xử lý công việc trên điện thoại thì con không nhìn bố nữa mà nhìn vào cái smartphone của bố. Con bắt đầu tò mò đến cái điện thoại chứ không để ý đến bố nữa. Và câu chuyện này cũng xuất hiện ở nhiều gia đình khi bố mẹ cũng lạm dụng smartphone trước mặt trẻ. 

Nhưng thực tế thì có nhiều bố mẹ hay người giúp việc vẫn dỗ trẻ bằng smartphone hay mở TV vì quá bận rộn hoặc để bố mẹ nhàn hơn mà không biết rằng có nhiều hệ lụy phía sau. 

"Với trẻ dưới 3 tuổi, bố mẹ cần dành tình yêu thương và sự tương tác trực tiếp với con. Nếu em bé quá thích điện thoại thì sự gắn kết, tương tác giữa bố mẹ với con sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Tôi có một người bạn là ca sĩ sang Nga để tu nghiệp, sau đó xin về Việt Nam để lập gia đình và sinh con. Khi bé được 10 tháng tuổi thì chị buộc phải quay lại Nga để tiếp tục học tập. Sau chừng 3 tháng cách xa con mình, khi về thăm bé lại không theo mẹ nữa khiến chị cảm thấy buồn và hụt hẫng vô cùng. Đó là sự đánh đổi lớn buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và con cái. 

Tôi ủng hộ quan điểm trẻ dưới 2 tuổi thì bố mẹ nên nói không với các thiết bị điện tử thông minh, kể cả smartphone hay TV kết nối internet... để cho trẻ xem. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm như, cho trẻ ngửi mùi hương bông hoa trong vườn thơm thế nào, nghe tiếng chim hót ra sao, chạy nhảy chơi cùng bạn bè vui không, khám phá hàng vạn câu hỏi vì sao ở cuộc sống bên ngoài...

Tuổi thơ các con rất ngắn và trôi qua rất nhanh, các bậc cha mẹ nên có sự hi sinh rất lớn trong việc tách rời con khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào các thiết bị điện tử. Giúp con có sự khởi đầu tốt nhất trong những năm đầu đời để thúc đẩy sự phát triển của trẻ về sau", MC Thanh Hằng tâm sự. 

Cũng theo các chuyên gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tránh để trẻ em dưới hai tuổi tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử như smartphone, tablet...

Nếu tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử dễ dẫn đến các nguy cơ mắc tật khúc xạ về mắt, suy giảm thị lực, tim mạch, và đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh về tâm lý: Con dễ nổi cáu, có xu hướng bạo lực, ngang ngược khi không đòi được thứ mình thích...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.