Đây là lí do tại sao các nhà phát triển luôn ưa thích iOS hơn Android

Theo Sensor Tower, App Store đã tạo ra doanh thu cao hơn 80% so với Google Play Store trong nửa đầu năm 2019. Ngoài doanh thu, còn rất nhiều lí do khác khiến các nhà phát triển game và ứng dụng ít mặn mà với Android như sự phân mảnh, dễ bị mã độc tấn công và không đảm bảo bản quyền.
AndroidPIT-ios-vs-android-0121-w810h462

Các nhà phát triển luôn ưa thích iOS hơn Android. (Ảnh: AndroidPIT).

Đã từ rất lâu, trên thị trường smartphone, hệ điều hành Android của Google luôn chiếm thị phần áp đảo so với iOS của Apple. Cụ thể, trong quý I/2019, thị phần iPhone bán ra trên toàn cầu chỉ đạt 11,7%, số còn lại thuộc về Android. Điều đó có nghĩa là cứ một người mua iPhone thì có đến tám người khác mua Android.

Tuy nhiên, có một nghịch lí xảy ra, các nhà phát triển, các lập trình viên lại chẳng mấy mặn mà với việc phát triển ứng dụng trên Android. Và thực tế, từ chất lượng đến độ tối ưu của game hay ứng dụng trên Android bao giờ cũng kém hơn trên iOS.

Những số liệu chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2019, App Store của Apple tiếp tục thống trị thị trường toàn cầu về doanh thu thu được từ các ứng dụng trả phí. Với cửa hàng trực tuyến, App Store đã tạo ra doanh thu gấp 1,8 lần so với Google Play Store của các thiết bị Android.

Từ doanh thu khủng

Theo Sensor Tower, trong 6 tháng đầu năm, App Store trên iOS đã thu về khoảng 25,5 tỉ USD trên toàn thế giới, tăng 13,2% so với mức 22,6 tỉ USD cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, số lần cài đặt ban đầu đã giảm xuống còn 14,8 tỉ lượt, giảm 1,4% so với năm trước, do trong quý I/2019, lượng cài đặt ứng dụng mới tại thị trường Trung Quốc suy giảm.

Dù lượt cài đặt giảm nhưng Apple vẫn dễ dàng vượt qua Google Play Store, khi mà cửa hàng ứng dụng của các thiết bị Android chỉ thu về vỏn vẹn 14,2 tỉ USD.

So với cùng kì năm ngoái, doanh thu của Google Play đã tăng 19,6%. Trong đó, lượt cài đặt mới tăng 16,4%, ước tính đạt 41,9 tỉ lượt tải xuống.

https%3A%2F%2Fphotos5

App Store đã tạo ra doanh thu cao hơn 80% so với Google Play Store trong nửa đầu năm 2019. (Nguồn: Sensor Tower).

Một nghịch lí là Google Play có lượng cài đặt các ứng dụng mới gấp 2,8 lần nhưng lại thu về doanh thu ít hơn 1,8 lần so với App Store, Sensor Tower cho biết.

Như vậy có thể thấy, trong nửa đầu năm 2019, người dùng di động trên thế giới đã chi khoảng 39,7 tỉ USD cho các ứng dụng và trò chơi trên cả hai nền tảng iOS và Android, tăng 15,4% so với 34,4 tỉ USD ghi nhận được trong năm ngoái.

Trong đó, những game mobile trên Google Play và App Store đã mang về 29,6 tỉ USD cho các nhà phát triển. Cụ thể, trên iOS, các nhà phát hành game đã kiếm được 17,6 tỉ USD và con số này trên Android là 12 tỉ USD.

Ngay đến đối tượng khách hàng Android và iOS cũng có sự chênh lệch.

Khảo sát ComScore cho thấy thu nhập trung bình của người dùng iOS cao hơn 40% so với người dùng Android. Đây là điều khá dễ hiểu, bởi các hãng Android trỗi dậy và chiếm thị phần áp đảo một phần lớn là bởi Apple vẫn kiên quyết nói không với giá rẻ.

Năm 2017 – 2018, Apple bán được khoảng 60 triệu chiếc iPhone X giá 1.000 USD, cao hơn nhiều lần doanh số của sản phẩm Android đắt đỏ bậc nhất là Galaxy S9/S9+.

lap-trinh-android-hay-ios-5-1

Phân khúc khách hàng mà hai hệ điều hành này hướng tới cũng khác nhau. (Ảnh: NewDesign).

Trong các quý cuối năm, người dùng iPhone bỏ ra gần 800 USD để mua smartphone của Apple, trong khi con số này với Android chỉ vào khoảng 330 USD.

Do đó có thể thấy, mặc dù có lượng cài đặt cao hơn, nhưng doanh thu của các ứng dụng trên Android luôn thấp hơn rất nhiều so với đối thủ của nó, iOS. Lí giải điều này, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự khác biệt đến từ cơ sở người dùng, chất lượng nội dung và chiến lược giá của Apple luôn vượt qua Android.

Đến việc phát triển dễ dàng

Không chỉ kiếm đường ít tiền hơn, các yếu tố kĩ thuật cũng là một rào cản khiến các nhà phát triển không mấy mặn mà với việc xây dựng ứng dụng cho Android.

Việc lập trình ứng dụng trên Android phức tạp hơn nhiều nếu so với trên iOS, đó là chưa kể đến sự khác biệt về ngôn ngữ lập trình. Điểm yếu lớn nhất của Android chính là sự phân mảnh.

Tốc độ cập nhật của iOS so với độ phân mảnh của Android. (Nguồn: VnTalking).

Theo một số liệu thống kê gần đây cho thấy rằng, trên iOS, hơn 80% người dùng đã cập nhật hệ điều hành của họ lên phiên bản mới nhất ngay trong 3 tuần đầu tiên sau khi phát hành.

Điều này khiến công việc của các nhà phát triển iOS trở nên dễ dàng hơn. Quy trình phát triển nhanh hơn, vì họ chỉ việc xây dựng ứng dụng của mình cho một phạm vi thiết bị và hệ điều hành nhất định.

Trong khi đó Android thì sao, nó đúng là "một mớ hỗn độn". Có hàng tá loại điện thoại thông minh và máy tính bảng trên Android có kích thước màn hình và tỉ lệ màn hình khác nhau.

Chưa kể đến tốc độ cập nhật của các thiết bị Android vô cùng chậm chạp. Theo thống kê, mặc dù đã ra mắt được một năm, nhưng Android 9 Pie mới chỉ chiếm 0,1% thị trường thiết bị Android.

Một điều đáng buồn khác là hiện vẫn có hơn 80% người dùng chưa biết đến Android Oreo (Android 8). Tức là, các lập trình viên sẽ phải đau đầu thiết kế ứng dụng trên đủ mọi loại phiên bản Android, từ những phiên bản cũ kĩ nhất đến phiên bản mới nhất, và điều này thường bất khả thi.

Các lập trình viên sẽ chỉ cố gắng phát triển ứng dụng tương thích với các thiết bị Android nhiều nhất có thể, chứ không ai dám tự tin là tối ưu được với tất cả thiết bị Android.

Chi phí bảo trì rẻ

coding-apps-ios-featured-800x400

Android buộc lập trình viên phải viết/bảo trì lượng mã nguồn (LoC) nhiều hơn 40% so với iOS. (Ảnh: Make Tech Easier).

Theo thông kê của công ty Infinum thực hiện trên 6 dự án vào năm 2015, tính trung bình mỗi dự án Android buộc lập trình viên phải viết/bảo trì lượng mã nguồn (LoC) nhiều hơn 40% so với iOS.

Cùng một nội dung ứng dụng, lập trình viên Android mất thêm 30% số giờ so với lập trình viên iOS.

Cụ thể, mạng xã hội ảnh lớn nhất hành tinh – Instagram phải mất hơn một năm mới từ iOS có mặt trên Android, và Microsoft Office mất 7 tháng, Fortnite mất 4 tháng.

top-app-developers-q1-2019-840x535-15612034832011550424587

Bỏ ra nhiều thời gian hơn nhưng thu về ít tiền hơn.

Trong thời đại thời gian là vàng bạc thì bạn có thể thấy, các lập trình viên yêu thích hệ điều hành nào hơn rồi đấy.

Không những thế, khi phát hành trên Android, các nhà phát triển luôn đối mặt với nguy cơ mất trắng doanh thu.

Trong khi iOS là một nền tảng đóng, người dùng chỉ có một kênh tải ứng dụng duy nhất là trên App Store, thì Android lại là một hệ điều hành mở. Các ứng dụng lậu xuất hiện dưới dạng APK vô cùng dễ kiếm và cài đặt dễ dàng.

Bỏ ra nhiều công sức, các nhà phát triển Android có thể chẳng thu được gì từ người dùng vi phạm bản quyền, vì Google đơn giản không thể ra tay ngăn chặn các hành vi này.

Được giới thiệu tại Ấn Độ vào năm 2014, dự án Android One là một sáng kiến nhằm thống nhất hệ điều hành Android ở cấp độ phần cứng lẫn phần mềm, có thể giúp các OEM sản xuất các thiết bị có giao diện đơn giản, nhưng có hiệu năng tốt nhất dựa trên phần cứng của sản phẩm.

Do đó, dễ thấy tại sao các nhà phát triển, các lập trình viên luôn ưa thích thiết kế ứng dụng, trò chơi cho những chiếc iPhone hơn là những chiếc điện thoại chạy Android. Thậm chí, có những ứng dụng độc quyền chỉ phát hành riêng trên iOS mà Android không bao giờ có được.

Gần đây, Google cũng đã nhận ra vấn đề phân mảnh của mình và cố gắng thu hẹp khoảng cách này bằng việc thúc đẩy Android One phát triển. Tuy nhiên những nỗ lực của mình Google dường như là không đủ khi các nhà sản xuất smartphone vẫn chưa mặn mà lắm với dự án này.

Tag: