Nghiên cứu của Counterpoint Research, cho thấy 96% điện thoại Nokia hiện đang chạy phiên bản Android Pie mới nhất, bằng cách cài sẵn hoặc được cập nhật lên phiên bản mới nhất.
Con số này của Samsung, Xiaomi, Huawei là 80%, trong khi Lenovo và Oppo dưới 50%. LG, Vivo cùng các hãng còn lại, tỉ lệ này còn thấp dưới 20%.
Nokia đánh bại Samsung trong cuộc đua cập nhật Android. (Ảnh: The Verge).
Cập nhật chậm là một vấn đề phổ biến cho các mẫu smartphone Android. Ngay cả những chiếc điện thoại đầu bảng cũng không được đảm bảo được chạy phiên bản Android mới nhất, và nếu có thì cũng thường rất chậm.
Không giống như iPhone, thường nhận được sự hỗ trợ của Apple từ 4 năm trở lên, ngay cả những chiếc điện thoại Android đắt nhất cũng chỉ nhận được cập nhật từ 2-3 năm, hoặc ít hơn.
Do đó, lời hứa của Google về việc hỗ trợ cập nhật cho Pixel 3 năm, khiến nó trở nên có sức hút với tín đồ "robot xanh".
Thị phần các phiên bản Android xếp theo các hãng sản xuất điện thoại. (Nguồn: Counterpoint).
Gần đây tình hình có vẻ được cải thiện. Google đã thực hiện các thay đổi cho Android, để giúp các nhà sản xuất dễ dàng triển khai cập nhật kịp thời, và Google cũng đã bắt đầu yêu cầu các mẫu điện thoại chạy Android phải được nhận tối thiểu hai năm cập nhật bảo mật.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu của Counterpoint, có thể thấy tình hình vẫn còn tồi tệ đối với hầu hết các nhà sản xuất điện thoại, thậm chí các bản cập nhật còn đến lâu hơn đối với các thiết bị của người dùng.
Theo nghiên cứu, chỉ có ba thương hiệu điện thoại là Nokia, Lenovo và Xiaomi có một nửa số smartphone bán ra trên thị trường đang được chạy phiên bản Android mới nhất, một năm sau khi phát hành.
Thời gian phân phối các bản Android mới nhất của các hãng điện thoại. (Nguồn: Counterpoint).
Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng có xu hướng gắn bó với điện thoại lâu hơn.
Khi tình trạng này bị kéo dài, việc thiếu các bản cập nhật sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều người sử dụng các mẫu điện thoại Android lỗi thời, thiếu tính năng và cập nhật bảo mật. Điều này cũng kiến các nhà phát triển phải viết mã cho nhiều loại thiết bị hơn, dẫn tới việc không thể tối ưu tốt ứng dụng của mình.