Theo đó, dự án của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 841 triệu USD (nâng lũy kế vốn đầu tư lên hơn 2,841 tỷ USD).
Đây là dự án nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng các loại bao gồm tivi thông minh, tivi LED và màn hình có độ phân giải cao, màn hình, máy in, thiết bị y tế và sản phẩm gia dụng khác; trong đó có Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung, phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cũng trao chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình thêm 150 tỷ đồng (lũy kế vốn đầu tư 900 tỷ đồng); tăng thêm 30 tỷ đồng cho dự án Nhà máy dược phẩm và chất chuẩn Việt Nam (lũy kế lên 300 tỷ đồng).
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP HCM được tổ chức với mục tiêu quảng bá và mời gọi đầu tư vào Khu đến tổ chức quốc tế thuộc địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu), doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khu Công nghệ cao cũng công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư gồm Trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; Khu dịch vụ công nghệ cao; Nhà xưởng thông minh cho thuê phục vụ các ngành công nghệ 4.0; Khu R&D - ươm tạo - đào tạo; Khu sản xuất công nghệ cao…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư; trong đó, nêu ra đề xuất với TP HCM và Chính phủ, để sẵn sàng những khung pháp lý, định hướng, điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Từ kết quả đầu tư 20 năm qua, có nhiều nhà đầu tư thành công tại khu theo đúng định hướng phát triển công nghệ cao, dẫn dắt sự phát triển kinh tế thành phố và cả nước; tuy nhiên cũng còn những dư địa để cải thiện, tái cơ cấu.
“Chúng ta xem lại những đầu tư vào khu đã là công nghệ cao và đúng định hướng, tài nguyên đã phát huy hết chưa? Bên cạnh thu hút đầu tư mới, cũng cần tái cơ cấu đầu tư hiện tại. Đó là trách nhiệm của thành phố trong việc tạo ra không gian, khuôn khổ pháp lý, các điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và trách nhiệm của các nhà đầu tư để tái cơ cấu, gia tăng giá trị cho dự án”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Từ khi thành lập năm 2002 đến nay, Khu Công nghệ cao TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 12 tỷ USD (vốn FDI trên 10,1 tỷ USD, trong nước trên 1,96 tỷ USD). Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD.
Bước đầu, Khu Công nghệ cao đã hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học - dược phẩm, cơ khí chính xác - tự động hóa và công nghệ vật liệu mới. Thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư vào Khu sẽ hướng đến thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết, hội nghị sẽ tiếp nhận hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp, những nhà đầu tư tiềm năng nhằm thu hút đúng và trúng các dự án đầu tư tốt nhất, các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, năng lực triển khai nhanh, hiệu quả. Điều nay giúp Khu Công nghệ cao trở thành trung tâm kinh tế tri thức, động lực tăng trưởng mới của TP HCM, trụ cột của thành phố Thủ Đức, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP HCM.