ĐBQH lo ngại tình trạng máy bay bung lốp, hạ cánh bằng càng

ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian gần đây nhiều sự cố an toàn hàng không như máy bay bung lốp và hạ cánh bằng càng, máy bay hạ cánh vào đường băng chưa khai thác, máy bay bị thủng lốp, bong ốp cánh đã xảy ra và với mức độ khá thường xuyên.

ĐBQH lo ngại tình trạng máy bay bung lốp, hạ cánh bằng càng - Ảnh 1.

Máy bay hạ cánh bằng càng ở sân bay Buôn Ma Thuột. (Ảnh: VTC).

ĐBQH lo ngại an toàn hàng không

Liên quan đến vấn đề an toàn hàng không, tại phiên thảo luận của kì họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang) đã đưa ra một số ý kiến.

Cụ thể, ông Phong cho biết, trong thời gian gần đây nhiều sự cố an toàn hàng không như máy bay bung lốp và hạ cánh bằng càng, máy bay hạ cánh vào đường băng chưa khai thác, máy bay bị thủng lốp, máy bay bong ốp cánh đã xảy ra và với mức độ khá thường xuyên.

"Điển hình như 7 sự cố của hãng hàng không Vietjet chỉ trong 3 tháng cuối năm 2018. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT đã nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không Vietjet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay.

Đồng thời, yêu cầu Cục hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng này", ông Đôn Tuấn Phong nói.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Đôn Tuấn Phong, sau đó, phía Vietjet vẫn tiếp tục xảy ra sự cố. Cụ thể, đại biểu tỉnh An Giang nhắc lại sự cố máy bay bị bong ốp cánh sau khi hạ cánh tại sân bay Cát Bi vào ngày 25/4/2019. Sự cố này không có hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng với sự cố máy bay hạ cánh bằng càng tại sân bay Buôn Ma Thuột thì nhiều hành khách đã hoảng loạn, bị thương.

"Một số sự cố hàng không có thể là thông thường song một số sự cố nghiêm trọng có thể do lỗi con người hoặc do lỗi qui trình kĩ thuật. Hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện cơ hội cho nhiều người hơn nhưng không vì lợi nhuận mà yêu cầu về an toàn đối với con người không được quan tâm đúng mức.

Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, tăng cường giám sát an toàn hàng không nói chung và các hãng hàng không đã để xảy ra quá nhiều các sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Nếu không đảm bảo an toàn và thường xuyên để xảy ra sự cố thì cần có những biện pháp mạnh mẽ kiên quyết để cảnh cáo răn đe, ngăn chặn nguy cơ và công khai trước công luận", đại biểu Đôn Tuấn Phong đề nghị.

Cử tri mong muốn mở rộng sân bay Điện Biên Phủ

Cũng tại kì họp này, ĐBQH Mùa A Vảng cho biết Điện Biên là tỉnh miền núi, địa bàn hiểm trở.

"Đường bộ từ Điện Biên đến Thủ đô Hà Nội gần 500 km với khoảng thời gian là 10 tiếng đồng hồ", ông Vảng nói.

Theo vị này, đến nay Điện Biên vẫn là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có giao thông cách trở. Đây là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ kịp thời.

"Khi chưa đủ nguồn lực để đầu tư đường bộ cao tốc thì nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ cần được ưu tiên số một", đại biểu tỉnh Điện Biên nói.

Theo vị này, sau năm 1954, sân bay Điện Biên Phủ đã trải qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhưng chưa được nâng cấp hiện đại. Vì vậy, không thể khai thác được vào ban đêm cũng như trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Sân bay cũng không đủ điều kiện để mở các chuyến bay từ Điện Biên đến các tỉnh, thành khác trong cả nước và khu vực bằng các loại máy bay cỡ lớn.

"Hiện nay, sân bay Điện Biên chỉ có một hãng hàng không khai thác trên đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất bay theo lịch đã công bố là 2 chuyến trên 1 ngày và giá vé quá cao so với mặt bằng chung các chuyến bay trên phạm vi cả nước khoảng 1,9 triệu đồng trong 1 giờ bay", ông Vảng nói.

Từ những thực tế trên, đại biểu Mùa A Vảng cho biết tỉnh Điện Biên đã nhiều lần kiến nghị Trung ương đầu tư, nâng cấp sân bay Điện Biên để phục vụ đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh...

Tuy nhiên thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cuộc làm việc với tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa rõ cơ chế chính sách cụ thể để đầu tư sân bay Điện Biên Phủ.

Được biết, tổng kinh phí nâng cấp sân bay Điện Biên khoảng 4.500 tỉ đồng, trong đó kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng đường cấp hạ cánh khoảng 2.500 tỉ đồng.

"Mặc dù ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh sẽ bố trí khoảng trên 1.100 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng; 1.400 tỉ đồng cần sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Còn lại, trên 2.000 tỉ đồng là kinh phí của nhà đầu tư", ông Vảng nói.

Vị này cũng cho biết cử tri và nhân dân tỉnh Điện Biên mong Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí kinh phí tạo cơ chế thuận lợi để sớm thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay này.

Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, địa bàn tỉnh này hiện có 8.278,9km đường giao thông các loại, 112km đường thủy nội địa.

Về đường hàng không, sân bay Điện Biên Phủ được xây dựng từ kỳ Pháp thuộc và trải qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, gần đây nhất là vào năm 2004.

Hiện tại, sân bay có một đường cất, hạ cánh; sân đỗ có diện tích rộng 24.000m2 với 4 vị trí đỗ máy bay; nhà ga hành khách rộng 2.500m2.

Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng sân bay này chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương trở xuống, chưa được đầu tư hệ thống đèn đêm và các trang thiêt bị dẫn đường hiện đại, nên hoạt động bay gặp nhiều khó khăn.

Được biết, phía tỉnh Điện Biên mong muốn được đầu tư cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ đủ điều kiện để tiếp nhận các loại máy bay tầm trung từ A320/321 và tương đương trở lên.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.