Vì sao cần điều chỉnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017?
Sáng 8/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Truyền hình Quốc hội tổ chức tọa đàm “Phương án tuyển sinh THPT Quốc gia năm 2017", tại đây, phương án và những nét mới sẽ được áp dụng cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã được các khách mời giải đáp cụ thể.
Trả lời nguyên nhân vì sao Bộ GD&ĐT lại xây dựng phương án điều chỉnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nhìn chung kỳ thi THPT năm 2016 diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi, an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, còn một số bất cập như tổ chức thi vẫn còn nặng nề, đề thi chưa bao quát tối đa chương trình nên còn hiện tượng học tủ, học lệch; Số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày); Nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, hiện tượng thí sinh ảo trong tuyển sinh vẫn tồn tại. Chính vì những lí do trên, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án điều chỉnh kỳ thi năm 2017.
Bày tỏ quan điểm về dự thảo điều chỉnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, những điều chỉnh sẽ khắc phục được điểm yếu của kỳ thi năm 2016 và tiếp cận xu hướng của thời đại là học sinh phổ thông khi thi những môn rời rạch thường có xu thế học lệch, chính vì thế ra đề thi gồm nhiều môn tổ hợp sẽ giúp học sinh có được kiến thức tổng quát.
Đề thi sẽ nhẹ nhàng, nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu trong lớp 12
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi năm 2017 nội dung thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu trong lớp 12.
"Các em học sinh chỉ cần ôn tập trong chương trình phổ thông là thi được. Còn thi trắc nghiệm hay hình thức khác chỉ là yếu tố kỹ thuật để thi. Về cách học của học sinh không có gì thay đổi, kiến thức, kỹ năng không có gì thay đổi. Cũng không có khoảng cách nào giữa nông thôn và thành phố, kỳ thi năm 2016 cho thấy rất nhiều học sinh ở nông thôn đạt kết quả cao", Thứ trưởng khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi năm 2017 nội dung thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu trong lớp 12. (Ảnh minh họa). |
"Các bậc phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng bởi vì nếu xét về mặt đề thi thì Thứ trưởng đã nói sẽ nằm trong chương trình, còn cách thi có điểm mới duy nhất là môn toán chuyển qua trắc nghiệm còn lâu nay các môn khác chúng ta vẫn trắc nghiệm. Nói chung kỳ thi năm nay sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng đối với các em hơn, không phải như những năm trước. Cho nên các em hoàn toàn có thể yên tâm không có gì mới thêm cả. Trừ thay vì vẽ đồ thị và diễn giải kết quả, bây giờ chuyển sang trắc nghiệm thì vẫn phải làm để giải." PGS.TS Đỗ Văn Dũng bày tỏ.
Đề thi là tổ hợp bài thi chứ không phải tích hợp
Trước lo ngại của nhiều học sinh rằng, bài thi tổng hợp sẽ đòi hỏi kiến thức rộng hơn nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã trấn an và khẳng định không phải là tích hợp mà là tổ hợp môn thi.
"Tôi xin khẳng định lại đề thi năm nay và các bài thi của chúng ta là các bài thi tổ hợp, chứ không phải là tích hợp trên các diễn đàn nhầm lẫn tích hợp. Làm thí sinh băn khoăn, không phải tích hợp các môn lại với nhau, cho nên học sinh yên tâm không phải lo lắng gì cả. Nếu có thay đổi lớn như vậy Bộ sẽ có thông báo sớm để các trường chuẩn bị, còn những thay đổi có tính chất kỹ thuật làm cho thí sinh nhẹ nhàng hơn thì chúng ta có thể áp dụng ngay", Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Thứ trưởng Ga cho biết thêm, kỳ thi 2017 tiếp tục hoàn thiện những kết quả đạt được của 2016, ví dụ: Tổ chức kỳ thi ở tất cả các tỉnh, thành phố; giao cho các Sở chủ trì và các trường ĐH, CĐ phối hợp, giám sát; đề thi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi khác nhau, chấm bằng máy để đảm bảo công bằng, tin cậy.
Đối với tuyển sinh, năm 2016 phát sinh thí sinh ảo mặc dù chỉ cho thí sinh đăng ký 2 trường. Năm 2017, dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cao hơn, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường.
Đề thi minh họa là vấn đề hết sức quan trọng, giúp cho thí sinh và giáo viên định hướng ôn tập. Trong thời gian tới, cuối tháng 9 đầu tháng 10 Bộ sẽ cố gắng ban hành sớm đề thi minh họa để thí sinh ôn tập tốt.
Với những trường muốn kiểm tra năng lực thêm tức là sử dụng kết quả thi hoặc kết quả học phổ thông sơ tuyển, các trường ấy cũng phải công bố để thí sinh biết, chuẩn bị tinh thần ôn tập. Bộ làm rõ ràng, công khai, minh bạch hỗ trợ tối đa thí sinh, thay đổi có lợi cho thí sinh.
"Tất cả những đổi mới hay cải tiến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đều nhằm hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, ngày càng tạo cho các em có thêm quyền lợi. Vì vậy, các em không nên lo lắng nhiều, mặc dù có vài thay đổi cách thi, vấn đề các em làm sao ôn tập và học thật tốt như các em đang học.
Sắp tới Bộ sẽ ban hành quy chế, trong đó cũng những hướng dẫn rất cụ thể về cách thức, đăng ký, xét tuyển và các đề thi minh họa để các em dựa vào đó ôn tập. Các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng tới tâm lý các em.", Thứ trưởng Bùi Văn Ga trấn an.
Theo Dự thảo của Bộ GD&ĐT, phương án thi 2017 sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả của kỳ thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng nếu có nguyện vọng. Ngoài bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Về thời lượng, các bài thi Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội kéo dài 90 phút, bao gồm 60 câu hỏi. Bài thi Ngữ văn có thời lượng 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi trong 60 phút bao gồm 40 câu trắc nghiệm. Bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi được cập nhật, bổ sung của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đề thi năm 2017 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Từ năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12.Từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 |