Quan chức bị 'treo' bằng giáo sư: Chia thành 2 loại hồ sơ để thanh tra lại! | |
GS Vũ Hà Văn phân tích ưu, nhược điểm của hai cách phong giáo sư | |
Trò chuyện với nữ giáo sư Việt ở đại học xứ Hàn |
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH. Bùi Văn Ga cho biết, khi Luật GD đại học ban hành năm 2012 thì giảng viên có 5 bậc: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS. Cũng như công nhân có 7 bậc vậy. Cho nên, giáo sư bây giờ không còn là học hàm do Nhà nước phong mà là ngạch giảng viên do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Từ năm 2008 trở đi thì GS, PGS là viên chức của một trường đại học cụ thể chứ không còn là học hàm GS, PGS được Nhà nước phong như trước đó.
Việc nâng bậc giảng viên cũng đã được qui định cụ thể trong các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành. Từ giảng viên lên giảng viên chính thì giảng viên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, tin học… và phải trải qua kỳ thi do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.
Để được xét bổ nhiệm PGS, PGS, giảng viên phải được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét và công nhận đạt chuẩn. Như vậy theo các qui định hiện hành, để được nâng bậc từ giảng viên chính trở lên thì giảng viên phải qua kỳ thi hoặc qua hội đồng nhà nước xét.
Chức năng, nhiệm vụ giảng viên (trong đó có PGS, GS) mỗi nước có những điểm khác nhau. Vì thế việc xét, bổ nhiệm các chức danh này cũng khác nhau, không có mô hình nào chung nhất khả dĩ áp dụng được cho tất cả các nước trên thế giới.
GS.TS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nướcN |
Người đạt tiêu chuẩn GS,PGS đang làm quản lý của một cơ quan thì làm sao bổ nhiệm làm việc tại một trường đại học được thưa ông?
Những người làm công tác lãnh đạo quản lý thì họ thuộc công chức của một cơ quan. Khi được bổ nhiệm GS,PGS ở một trường đại học nào đó thì họ lại là viên chức của trường đại học.
Người đang là công chức cơ quan A có được bổ nhiệm đồng thời là viên chức cơ quan B hay không thì phải theo qui định của Luật Công chức, viên chức. Hiện nay các trường Đại học còn lúng túng trong xử lý vấn đề này nên rất cần có hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Khi những người đang là công chức đã được xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS mà chưa được bổ nhiệm vào một cơ sở giáo dục đại học thì họ chưa phải là GS, PGS. Ngược lại, một người đã được bổ nhiệm GS, PGS ở trường đại học, khi chuyển sang làm công tác quản lý thì được chuyển sang ngạch chuyên viên, mặc nhiên không còn là GS, PGS.
Ví dụ: Trước đây khi còn ở ĐH Đà Nẵng tôi là giáo sư, giảng viên cao cấp là viên chức của trường. Khi được điều động lên Bộ làm quản lý thì tôi được chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp và là công chức của Bộ, chứ không phải ngạch giáo sư nữa. Khi hết tuổi quản lý trở về trường làm giảng viên, tôi lại được chuyển ngạch về làm viên chức, giảng viên cao cấp, là giáo sư.
Tôi thấy qui định của pháp luật hiện hành rất chặt chẽ trong việc này. Tuy nhiên có thể có những cơ quan, đơn vị chưa xử lý đúng, gây nhầm lẫn trong dư luận xã hội.
Dư luận tranh cãi nhiều về việc phong giáo sư, phó giáo sư cho người đang làm cán bộ quản lý nhà nước, ý kiến của ông thế nào?
Nhiều cán bộ trước khi làm công tác quản lý họ đã từng là giảng viên, tham gia giảng dạy đại học, đã có nhiều đóng góp trong đào tạo và nghiên cứu. Khi đảm bảo đầy đủ các tiêu chí qui định thì họ được Hội đồng CDGSNN xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Tuy nhiên họ có trở thành GS, PGS được không phụ thuộc vào qui định của Luật công chức, viên chức có cho phép các trường bổ nhiệm viên chức đối với những công chức đương nhiệm hay không. Mấu chốt của vấn đề nằm ở qui định này chứ không phải ở qui định xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, nên giao việc xét GS,PGS cho các trường?
Theo tôi cần đồng bộ về mặt pháp luật. Trước hết là qui định về nâng bậc cho giảng viên. Nếu giảng viên chính vẫn phải trải qua kỳ thi cam go do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức như hiện nay, trong khi đó PGS, GS là bậc cao hơn lại để các trường tự xét thì không thuyết phục về mặt logic. Sau đó là qui định về chức năng, nhiệm vụ, chế độ lương, đãi ngộ… đối với giảng viên, trong đó có PGS, GS.
Nếu chế độ đãi ngộ vẫn áp dụng thống nhất trong cả nước mà các trường tự xét, bổ nhiệm PGS, GS không theo một mức sàn tối thiểu thì không hợp lý. Khi nào các trường tự chủ hoàn toàn, tự cân đối thu chi, tự trả lương cho cán bộ thì việc tự xét, tuyển dụng, bổ nhiệm các ngạch bậc giảng viên có thể cân nhắc thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.
Đây là văn bản luôn có nhiều ý kiến khác nhau và cần có nhiều thời gian để tham khảo ý kiến xã hội. Trước đây đã có thời kỳ phải mất đến 5 năm (1996-2001) để chuẩn bị văn bản quy định xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Quan chức bị 'treo' bằng giáo sư: Chia thành 2 loại hồ sơ để thanh tra lại!
GS.TS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, trong 95 hồ sơ ứng viên đủ tiêu ... |
GS Vũ Hà Văn phân tích ưu, nhược điểm của hai cách phong giáo sư
Theo giáo sư Đại học Yale (Mỹ), nếu phong qua hội đồng nhà nước thì cần đặt chuẩn cao hơn, hội đồng phải chất lượng, ... |
Trò chuyện với nữ giáo sư Việt ở đại học xứ Hàn
Lê Nguyễn Minh Phương (SN 1987, hiện là nghiên cứu sinh ĐH Yonsei) vừa được tuyển làm giáo sư của ĐH Namseoul - Hàn Quốc). ... |