Ngày 10/7 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM phối hợp các sở ngành và UBND xã Hiệp Phước tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm, thay thế cầu sắt cũ đã xuống cấp. Cầu này nằm trên trục đường Lê Văn Lương, một trong những trục đường chính yếu của khu Nam Sài Gòn hiện nay, kết nối TP HCM - Tây Ninh mới.
Cầu cũ hiện tại không còn đáp ứng được tải trọng khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt khi lượng xe qua lại ngày càng nhiều. Được biết, cầu sắt Rạch Tôm hiện tại có từ trước năm 1975. Đối với trục đường Lê Văn Lương, đoạn qua TP HCM hiện nay có mặt cắt ngang hẹp, trung bình khoảng 6 - 8 m, theo quy hoạch sẽ được mở rộng lên 40 m.
Cầu sắt Rạch Tôm cũ hiện nay. Theo ghi nhận của người chụp, cầu hiện đã xuống cấp khá nhiều, không còn đáp ứng đủ lưu lượng giao thông của khu vực, nhất là đối với những phương tiện có kích thước quá lớn.
Cầu Rạch Tôm mới có tổng chiều dài khoảng 684 m, gồm 174m phần cầu và 510 m đường dẫn. Mặt cắt ngang cầu rộng 15m, bố trí 4 làn xe cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Điểm đầu dự án cách mố cầu cũ phía TP HCM khoảng 320 m, điểm cuối cách mố cầu cũ phía tỉnh Tây Ninh (trước đây là tỉnh Long An) khoảng 302 m. Dự án được Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) TP HCM phê duyệt đầu tư ngày 31/10/2019. Mục tiêu là cải thiện giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại phía Nam Thành phố, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị và kết nối liên vùng với các địa phương lân cận.
Hiện tại, trong khu vực thi công đã có một số vị trí được bàn giao và chuẩn bị mặt bằng để thi công. Ban Giao thông cho biết Dự án cầu mới có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng khoảng 141 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 226 tỷ đồng.
Theo Ban Giao thông, dự án ảnh hưởng đến 111 trường hợp phải bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng kinh phí 226 tỷ đồng. Đến nay, đã có 83 hộ đồng thuận nhận bồi thường. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (nay thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) cùng UBND xã Hiệp Phước đang nỗ lực bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/9/2025.
Khu vực nhà dân đã tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu Rạch Tôm mới.
Cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành trong thời gian qua, việc khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm và dự án xây dựng cầu Rạch Dơi dự kiến sẽ triển khai trong năm 2026 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mới, thay thế toàn bộ 4 cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, hình thành trục đường chiến lược, tăng cường kết nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong khu vực phía Nam thành phố và phát triển hệ thống giao thông, kết nối liên vùng.
Đơn vị thi công đang thực hiện san lấp mặt bằng trên khu vực thi công dự án. Chị Kha - một trong những người dân gần khu vực thi công cầu Rạch Tôm cho biết, chị đã nghe về dự án này khá lâu, song tới nay mới được khởi công xây dựng. Gia đình chị kỳ vọng dự án sẽ nhanh chóng hoàn thành, giải quyết được tình trạng ùn tắc, kẹt xe do cầu quá cũ và hẹp vào giờ cao điểm tại khu vực này.
Theo kế hoạch, cầu được dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình, thông xe để phục vụ người dân thành phố vào ngày 31/12/2026.
Cùng với sự hoàn thành của các cây cầu trên tuyến cũng như trục đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng trong tương lai, hàng loạt dự án bất động sản sẽ được hưởng lợi, tiêu biểu như dự án khu dân cư Nhơn Đức của Vạn Phát Hưng; Khu nhà ở Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng do Thaison Group làm chủ đầu tư,... Trong ảnh là khu dân cư Nhơn Đức.
Tiếp đến là dự án Grand Sentosa Nhà Bè (tên cũ là Kenton Node) do Novaland công bố đầu tư vào tháng 2/2022. Theo quy hoạch điều chỉnh năm 2017, dự án này có diện tích 10,8 ha, gồm 9 tòa nhà với 16 tháp,1.700 căn hộ, 586 căn condotel và 288 phòng khách sạn 5 sao.