Sinh viên Hà Nội tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với du khách. (ẢNH: NGỌC THẮNG) |
Trước hết, cần làm rõ thế nào là ngôn ngữ thứ hai. Có hai cách hiểu về cụm từ này.
Cách thứ nhất, được sử dụng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, định nghĩa “tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai” là tiếng Anh của một người ngoại quốc học và sử dụng tiếng Anh ngay tại quốc gia nói tiếng Anh bản ngữ (như tại Anh, Mỹ, Úc...).
Theo cách hiểu này, thì tiếng Anh tại VN chỉ được học/dạy như một ngoại ngữ, vì chúng ta không có một cộng đồng đông đảo những người nói tiếng Anh bản ngữ để tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh hằng ngày một cách tự nhiên.
Đây là lý do tại sao trước đây khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có chủ trương “đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại VN” như một mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thì đã có nhiều người băn khoăn hoặc lên tiếng phản đối.
Đúng hơn, để tránh nhầm lẫn thì trong trường hợp này nên nói rõ là “công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai” (sau tiếng Việt). Và để một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của dân chúng trở thành một ngôn ngữ chính thức thứ hai của một quốc gia, thì điều đầu tiên cần làm là có một chính sách về ngôn ngữ/ngoại ngữ để tạo ra địa vị pháp lý cho ngôn ngữ ấy.Và để một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của dân chúng trở thành một ngôn ngữ chính thức thứ hai của một quốc gia, thì điều đầu tiên cần làm là có một chính sách về ngôn ngữ/ngoại ngữ để tạo ra địa vị pháp lý cho ngôn ngữ ấy
Nhưng phải chăng chỉ cần Thủ tướng đồng ý công nhận và ban hành chính sách thì ngay lập tức chúng ta sẽ có một môi trường sử dụng tiếng Anh tương tự như Singapore, Philippines, hay ít nhất là Malaysia?
Mọi việc không đơn giản thế. Để công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ (chính thức) thứ hai tại VN thì điều kiện căn bản duy nhất cần đáp ứng là phải tạo một môi trường sử dụng tiếng Anh hằng ngày cho những người muốn hoặc cần sử dụng tiếng Anh. Và đó là lý do tại sao cho đến nay việc chính sách xem tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai dễ dàng thành công ở các nước cựu thuộc địa, do những nước này đã có sẵn một “hạ tầng tiếng Anh” trong xã hội do chính quyền thực dân để lại.
Có thể học hỏi từ kinh nghiệm của 2 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Cả hai đều là cựu thuộc địa của Anh. Trong thời gian còn dưới quyền cai trị của Anh thì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức duy nhất, được sử dụng trong toàn bộ lĩnh vực công quyền (hành chính - pháp lý, cùng tất cả các dịch vụ công như giáo dục, y tế, truyền thông báo chí...). Sau khi giành được độc lập, chính quyền sở tại đứng trước một trong hai lựa chọn sau đây: (1) xóa bỏ hoàn toàn địa vị pháp lý của tiếng Anh, chỉ giảng dạy ngôn ngữ này trong nhà trường như một ngoại ngữ; (2) cho phép tiếng Anh tồn tại bên cạnh ngôn ngữ quốc gia với vai trò là một trong những ngôn ngữ chính thức.
Lựa chọn đầu tiên là điều mà Malaysia đã làm, và nhiều năm sau đất nước này đã vô cùng hối tiếc vì phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để nâng cao khả năng tiếng Anh của người dân mà vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Trong khi đó, Singapore đã táo bạo giữ lại địa vị pháp lý của tiếng Anh trong xã hội. Kể từ khi Singapore độc lập, tiếng Anh chưa bao giờ mất vai trò chính thức của mình dù chỉ một ngày.
Cố Thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra rằng đối với Singapore, tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển và hội nhập của đất nước. Sự thành công của Singapore ngày nay không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của những chính sách ngôn ngữ kiên trì và mạnh mẽ trong suốt mấy chục năm qua, từ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong nhà trường, dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ mầm non và tiểu học, nhập toàn bộ sách giáo khoa từ Anh về cho học sinh học, đến việc buộc mọi công chức nhà nước phải có trình độ tiếng Anh thành thạo mới được bổ nhiệm vào chức vụ... Những quyết định táo bạo đó không ít lần vấp phải chống đối. Và tốc độ phát triển của Singapore đã chứng minh cho sự sáng suốt của vị thủ tướng đầu tiên ở đất nước này.
Rốt cục, cũng giống như nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể cứ tuyên bố xong là thế giới sẽ công nhận chúng ta. Để một ngôn ngữ được xem là chính thức tại một quốc gia thì ngôn ngữ ấy tối thiểu phải là ngôn ngữ của hành chính - pháp lý và của mọi dịch vụ công cộng.
Nếu các cơ quan công quyền hoàn toàn không sử dụng tiếng Anh, mọi giấy tờ văn bản đều bằng tiếng Việt, công chức - viên chức địa phương chỉ biết nói tiếng Việt, báo chí truyền thông cũng hoàn toàn bằng tiếng Việt, và ra đường nhìn bảng hiệu, đi xe công cộng, hỏi thăm đường… đều phải sử dụng tiếng Việt, thì việc ban hành chính sách công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại VN chỉ mới dừng ở quyết tâm
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Cần khơi dậy một môi trường mọi người đều thích học tiếng Anh Phát biểu tại buổi tọa đàm về "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân" (sáng 8.12), ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “Việc dạy và học ngoại ngữ cần phải thiết thực, ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, tránh tình trạng học đối phó, học vì bằng cấp, chứng chỉ. Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ. Cần khơi dậy một môi trường mà ở đó mọi người đều thích nói, thích đọc tiếng Anh. Các trường đại học, nhất là các trường đại học công nghệ nhập chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh về giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận bằng tiếng Anh. Ngoài ra, có thể đưa một số môn học như toán, khoa học tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường. Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại VN hiện nay. |
Phải được Quốc hội thông qua VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch quốc tế nên việc đề cao vai trò của tiếng Anh là hết sức cần thiết và việc đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của VN trước sau gì cũng xảy ra và phải thực hiện. Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà phải được Quốc hội thông qua. Cần phải xem việc này liệu có phù hợp Hiến pháp không, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai bởi trong Hiến pháp của VN 2013 thì ngôn ngữ quốc gia chỉ là tiếng Việt và đây là Hiến pháp đầu tiên xác định ngôn ngữ quốc gia. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới) Hình thành cộng đồng nói tiếng Anh Khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, người học có thể dùng tiếng Anh để tự học các chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới, bên cạnh chương trình chính thức trong nước. Điều này sẽ giúp nâng cao kiến thức, khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học và các trường đại học; dễ dàng kết nối với trình độ khoa học chung của thế giới hoặc có thể đàm phán công bằng với đối tác Mỹ và Anh trong thương mại và ký kết hợp đồng kinh doanh. Để đi tới đích, bắt đầu từ việc hình thành các cộng đồng nói tiếng Anh, thói quen nói tiếng Anh hằng ngày và thói quen dùng tiếng Anh trong công việc, trong kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học song song với tiếng Việt. Travis Steward (Giám đốc học thuật Tập đoàn giáo dục Egroup) Giáo viên, môi trường thực hành là thách thức Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển giáo dục ở VN. Bởi lẽ, khả năng học tập suốt đời là một kỹ năng sống tất yếu và quan trọng trong kỷ nguyên của công dân trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Với kiến thức tiếng Anh, người học có thể tự tiếp cận vô số tài liệu hữu ích trên mạng. Tuy nhiên vẫn có không ít băn khoăn về tính khả thi, lộ trình của đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của VN. Số lượng giáo viên hay môi trường thực hành là những thử thách trước mắt nên cần có chính sách, mục tiêu chiến lược, từ đó mới có những phương án triển khai phù hợp. Giáo sư Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) Tuệ Nguyễn - Đăng Nguyên (ghi) |
Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019: Cấu trúc môn Tiếng Anh tương tự đề thi năm 2018
Theo các giáo viên, cấu trúc đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Tiếng Anh tương tự với đề thi THPT quốc gia ... |
Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT
Ngày 6/12, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Tiếng Anh, các em học sinh có ... |
Những lời chúc Giáng sinh bằng tiếng Anh hay nhất gửi tặng người thân yêu
Lễ Giáng sinh ngày nay trở thành ngày lễ quốc tế, không chỉ dành cho những người theo đạo Công giáo và Tin lành. Vào ... |
Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, phải bắt đầu từ đâu?
Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 được cho là mục tiêu lý tưởng, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc này ... |