Ngày 14/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan.
Theo ông Hiểu, việc thí điểm này nhằm thay đổi cách thức quản lý lao động, điều kiện lao động. Bởi vì thời kỳ công nghệ 4.0 đặt ra vấn đề cách tiếp cận, quản lý lao động khác hơn trước kia rất nhiều.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) - Ảnh: QH |
"Tôi đặt ra vấn đề như vậy không có nghĩa là đối với tất cả mọi người, mà ở đây chúng ta chọn những ngành, nghề, lĩnh vực và đối tượng lao động trong từng cơ quan, lao động có điều kiện để họ làm việc ở nhà, có thể ở nơi khác như quán cà phê… để họ có thể bàn ra những sáng kiến rất hay thay vì đến cơ quan. Ví dụ như lĩnh vực ngành nghề khoa học công nghệ, quản trị phần mềm", ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cho biết thêm, nhiều lĩnh vực cán bộ, công, viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà.
Liên quan đến vấn đề người lao động chỉ phải đến cơ quan 1-2 ngày trong tuần và giám sát qua hiệu quả công việc, anh L.T.H (Giám đốc một Công ty phân phối về Dược phẩm trên địa bàn Hà Nội) cho biết: “Với công ty phân phối dược phẩm như chúng tôi thì việc kiểm soát giờ làm và doanh số của nhân viên rất linh động, bởi chúng tôi đã giao khoán định mức công việc và hưởng lương theo định mức công việc. Do vậy, thời gian làm của nhân viên có thể linh hoạt”.
Ông H. cho biết thêm, quản lý hiệu quả công việc chỉ đảm bảo với một số công ty liên quan đến bán hàng tạo doanh số hay thiết kế, viết các dự án, khảo sát,... Còn một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, làm việc theo dây chuyền, công đoạn thì không áp dụng được.
Một số công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đã áp dụng phương án lên công ty 1-2 ngày trong tuần nhưng giao khoán định mức công việc và hưởng lương theo định mức công việc (Ảnh Dân trí). |
“Để áp dụng được thời gian linh hoạt, các công ty tư nhân kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến doanh số phải có người đứng đầu đưa ra khung làm việc chuẩn cho từng cá nhân và từ đó kiểm soát công việc của mỗi cá nhân theo tiến độ, thời gian, doanh số,...”, anh H. chia sẻ.
Theo anh H., việc áp dụng cho cán bộ, công, viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần khó khăn hơn bởi hiện tại, một số cơ quan chưa giao khoán được công việc hay định mức công việc cho cán bộ.
Tuy nhiên, với một số ngành nghề, có thể áp dụng được chỉ đến cơ quan 1-2 ngày trong tuần nhưng người thủ trưởng đơn vị phải đưa ra được hạng mục công việc và kiểm soát chặt chẽ hạng mục công việc đó.
“Theo tôi nghĩ, để làm được việc trên thì đầu tiên là người lao động phải có tinh thần tự giác cao, có trách nhiệm với công việc”, anh H. chia sẻ.
Cùng chia sẻ về vấn đề tên, anh V.T.K., điều hành một công ty tư nhân ở địa bàn phường Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, một số lĩnh vực, ngành mình hoàn toàn có thể làm được việc đó”.
Theo anh K., hiện nay, rất nhiều người giao tiếp với nhau qua điện thoại, facebook, zalo, skype, viber,... và làm việc qua các phương tiện trên. Đặc biệt, thời kỳ công nghệ 4.0 nên những công việc đơn giản mọi người thường giao tiếp qua mạng, chỉ việc quan trọng thì mọi người mới gặp mặt. Do đó, việc nhân viên được chủ động làm việc và chỉ đến cơ quan 1-2 ngày trong tuần là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, để làm tốt khi chỉ đến cơ quan 1-2 ngày trong tuần thì nhân sự ở nơi đó phải có trình độ công nghệ thông tin tốt, khả năng tương tác, trao đổi và giữ liên lạc tốt thì cũng giống như 2 người làm cùng văn phòng nhưng khác phòng nhau.
“Để làm được việc đó, nhân sự phải có tính tự giác cao, có trách nhiệm và có tâm. Còn thiếu những yếu tố trên sẽ dễ xảy ra tình trạng công việc cơ quan thì bỏ bê mà làm công việc khác, công việc chính không hoàn thành, công việc phụ thì trôi chảy”, anh K. chia sẻ.
Chị Nguyễn T. A. (làm nhân viên công ty tư nhân ở Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, với đặc thù công việc là nhân viên văn phòng thì không thể làm việc ở nhà được. Trong công việc của chị, thường xuyên phải nghe điện thoại, soạn thảo hợp đồng,...
“Với đặc thù công việc của tôi thì rất khó làm việc ở nhà được bởi đôi khi sếp có yêu cầu soạn hợp đồng mới và trình sếp rồi gửi mail, gọi điện thoại nhưng khi sếp sửa thì lại gặp khó khăn. Hoặc sếp muốn xem chứng từ hợp đồng cũ thì không thể có bản mềm trên máy mà phải tìm trong tủ tài liệu, lúc này ở nhà thì không thể xử lý được”, chị T. A. thông tin.
Bộ Y tế nói về vụ có hóa đơn đỏ mới bồi thường ở BV Hòa Bình: 'Bệnh viện đã cầu thị'
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cầu thị, tìm cách ... |