Sở GTVT TP HCM vừa đề xuất UBND TP chấp thuận giao Trung tâm Quản lí đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố (TP). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 250 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP trong giai đoạn 2019 - 2021. Đề xuất này nhận rất nhiều quan tâm của rất nhiều người dân TP HCM cũng như giới chuyên gia.
Chia sẻ với chúng tôi, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thời điểm hiện nay là chưa phù hợp và không hiệu quả để triển khai lập vành đai thu phí ô tô vào trung tâm TP. Ông cho rằng, đầu tư hạ tầng là để phục vụ cho người dân chứ không phải tăng sự bất tiện cho người dân bởi vì ô tô có nhu cầu vào trung tâm đâu chỉ là riêng của TP mà còn người dân khắp tỉnh thành khác nữa.
Ô tô xếp hàng dài trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM. (Ảnh: Trường Nguyên)
"Xe từ Hà Nội, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang… vẫn có nhu cầu vô nội thành TP HCM. Không lẽ những xe này một năm vào trung tâm 1-2 lần mà mình bắt người ta mua chip, gắn chip để thu phí, nếu không có chup thì cấm không cho xe người ta vào? Một năm xe người ta vào nội thành 1-2 lần mà bắt người ta gắn chip thì vô lý quá", KTS Nam Sơn đặt vấn đề.
Do vậy, vị KTS nhận định đề xuất này chỉ làm lợi cho nhà cung cấp, không tạo ra được thuận tiện – hay nói chính xác hơn là gây thêm sự bất tiện cho người dân TP lẫn người dân cả nước khi có nhu cầu vào trung tâm. TP HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước nên không thể đóng cửa với những người sử dụng ô tô trên cả nước.
Tính toán thế nào với xe taxi?
Lúc mới biết thông tin thì tôi nghĩ, nếu xây dựng 34 trạm thu phí để hạn chế ô tô lưu thông vào trung tâm thì đó là một lợi thế lớn với anh em chạy taxi vì sẽ tăng nguồn khách.
Nhưng khi nghĩ lại cho đúng thì điều này là không khả quan. Thay vì đi taxi, người có ô tô sẵn sàng trả thêm ít tiền để tự chạy xe vào luôn trung tâm cho tiện công việc chứ không thuê taxi làm gì.
Một điều băng khoăng là, khi xây dựng 34 trạm như thế thì Sở GTVT và UBND TP HCM sẽ tính toán thế nào với loại hình xe taxi như chúng tôi?
"Mỗi 'cuốc' xe vào trung tâm chỉ có vài chục đến hơn 100.000 đồng, nếu bị thu phí nữa thì chúng tôi có nên chạy hay từ chối khách?".
Anh Trần Thanh Hùng - tài xế chạy taxi ở quận 10.
Nói về công nghệ thu phí, ông Nam Sơn cho rằng TP cần có một giải pháp tổng thể và phối với với các tỉnh thành khác cùng triển khai để tránh "lạc điệu" khi mỗi nơi sử dụng một loại chip và công nghệ khác nhau. Công nghệ này phải là công nghệ đa chức năng, ứng dụng trên toàn quốc và ứng dụng cho nhiều vấn đề khác nhau thì lúc đó mới nên bàn tới chuyện sử dụng
Ông giải thích: "Tức là ô tô gắn con chip này vừa có thể thu phí xe vào trung tâm, vừa có thể trả phí BOT, vừa trả phí bãi đậu xe và kết nối được ở những nơi xe đi qua. Đồng bộ về công nghệ trên toàn quốc, khi nào mình làm được chuyện đó thì hãy làm".
Trong đề xuất của Sở GTVT TP HCM có đề cập việc thu phí là góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy người dân sử dụng giao thông công cộng…, tuy nhiên, ông Nam Sơn nhận định hiện nay giao thông công cộng của TP không đủ đáp ứng nhu cầu trong trường hợp lập vành đai thu phí.
Nhiều con đường cửa ngỏ của TP HCM đang kẹt xe nghiêm trọng chứ không riêng gì khu trung tâm TP. Do vậy, các chuyên gia lo ngại việc lập đến 34 trạm thu phí càng làm tăng tình hình ùn tắc. (Ảnh: Trường Nguyên)
"Trong vành đai thu phí này, khi vào trung tâm TP, tôi muốn di chuyển từ điểm A đến điểm B bất kì nào thì dùng tối đa 2 chuyến xe buýt là phải tới được nhanh chóng, thuận tiện. TP chưa làm được điều này", vị này lấy ví dụ.
Theo ông Sơn Nam, để giải bài toán giao thông cho TP phải nhìn từ góc độ tổng hợp chứ không thể nhìn cục bộ những dự án 'con' không thể đem lại hiệu quả tổng thể. Trong điều kiện hiện nay, chưa nên dùng việc xây dựng 34 trạm thu phí để hạn chế ô tô vào trung tâm trong khi có những giải pháp khác đơn giản hơn nhiều.
"Giải pháp đơn giản là tăng phí giữ xe tại trung tâm TP. Năm trước TP thử nghiệm tăng thu phí, các bãi xe lập tức trống liền, xe đậu tại các bãi tự động giảm. Rất đơn giản và có nhiều cái lợi".
Người dân mệt mỏi khi kẹt xe triền miên trong giờ cao điểm ở TP HCM. (Ảnh: Trường Nguyên)
Hiện nay tăng phí giữ xe cho nội thành là giải pháp mà trên thế giới hầu như TP nào cũng áp dụng, nếu mình muốn học kinh nghiệm thì nên học giải pháp đó trước vì nó đơn giản nhất và rẻ tiền nhất, không phải đầu tư hệ thống phức tạp.
TP chỉ cần tăng giá giữ xe và sẽ cho đấu thầu, giao cho họ quản lý. Tất nhiên việc đấu thầu phải đảm bảo được mức thu nhập nộp cho thành phố. Đơn vị trúng thầu tự quản lý về nhân sự, công nghệ thu phí và TP có thể kiểm tra bằng camera thì không sợ xảy ra tình trạng "ăn gian" lượng xe.
Khi tăng giá giữ xe để hạn chế ô tô vào trung tâm, TP có thể dùng nguồn thu này đầu tư cho giao thông công cộng và thậm chí là giao thông công cộng miễn phí tại khu vực trung tâm.
"Một mặt giảm xe cá nhân, mặt khác tăng sử dụng giao thông công cộng. Người dân nào đi lại trong khu này thì không cần trả phí, khi ra khỏi mới trả phí. Đó là giải pháp hiệu quả hơn rất nhiều so với việc xây dựng 34 trạm thu phí", vị KTS chốt lại vấn đề.
34 trạm thu phí không thể giải được bài toán ô tô vào trung tâm TP HCM
Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM Võ Kim Cương nhận định đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm chỉ làm cản trở thêm giao thông, tốn kinh phí, làm mất diện tích đường và cũng chẳng thể giải được bài toán ô tô vào trung tâm thành phố.
Còn vấn đề thu phí, về lâu dài nên thu phí ở các trục giao thông lớn, cửa ngõ, theo kiểu gom việc thu phí về một đầu mối với mức độ vừa phải sẽ tạo ra thói quen cho người dân khi quyết định lưu thông vào trung tâm.
"Phải tính toán sao cho hợp lí, tránh để người dân lưu thông được vài chục km lại gặp trạm thu phí thì phản cảm lắm", nguyên Phó kiến trúc trưởng TP HCM nói.