Đề xuất xây thêm đường lăn, giảm ách tắc cho Tân Sơn Nhất

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang đề xuất nâng cấp hệ thống đường băng cũ, xây bổ sung đường lăn mới E8 để giảm ách tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất, song do vướng quy định nên chưa thể triển khai.
avatar_1566460034974

Diện tích bị thu hẹp, kết cấu đường lăn, đường băng đã cũ khiến Tân Sơn Nhất rất khó xử lý tắc nghẽn. (Ảnh Độc Lập)

Trao đổi với Thanh Niên hôm nay, 22/8, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, cho biết công ty này đã đề xuất nâng cấp hệ thống đường băng cũ, xây bổ sung đường lăn E8 song song với đường lăn độc đạo E6 ở khu vực nhà ga hành khách quốc tế. Hai đường lăn song song sẽ giúp giảm thiểu xung đột giữa các luồng máy bay ra vào bến đỗ và đường cất hạ cánh, đồng thời, máy bay được di chuyển ra đường băng đúng giờ hoặc được lăn vào bến đỗ nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo ông Phiệt, do vướng mắc quy định khu bay là tài sản công, thuộc nhà nước quản lý, nên ACV không thể dùng vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trong khi nhà nước không có tiền đầu tư. ACV đã kiến nghị Bộ GTVT có cơ chế giao và hoàn vốn cho doanh nghiệp đầu tư.

Trước đó, báo cáo của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) lý giải về các nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất ùn tắc cả mặt đất và trên trời đã chỉ rõ, cấu trúc hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại khiến việc di chuyển, lăn ra vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại khó khăn.

Cụ thể, hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất theo thiết kế cũ chỉ cho phép một luồng máy bay di chuyển từ các bến đỗ ra đường cất hạ cánh để khởi hành trong một thời điểm, luồng máy bay đi ngược chiều sẽ phải dừng chờ tại các ngã ba, ngã tư giữa các đường lăn, khiến tốc độ di chuyển máy bay thấp, thường xuyên bị ùn tắc tại khu bay.

Các đường lăn hiện nay cũng không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn nhiều so với các loại máy bay cũ.

Đặc biệt, diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 - 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa, nên khó có thể triển khai các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn đáp ứng yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao.

Do năng lực giới hạn của hệ thống đường cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu phải thực hiện áp dụng các biện pháp trì hoãn, kéo dài thời gian bay của máy bay trên không trong vùng trời tiếp cận sân bay (như bay vòng chờ tại chỗ, bay hình vòng cung).

Theo VATM, sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đạt 38,5 triệu người, gấp 1,5 lần công suất thiết kế 25 triệu hành khách mỗi năm. Lượt chuyến bay cất hạ cánh trung bình đạt hơn 700 chuyến bay mỗi ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.