Tận dụng sự phổ biến của trái cây họ cam quýt ở đảo Sicily (Italia), mới đây, các nhà thiết kế tại Krill Design đã chuyển sang sử dụng vỏ cam để tạo ra một chiếc đèn bàn siêu nhẹ có tên là Ohmie, được sản xuất bằng kỹ thuật in 3D vô cùng công phu.
Theo đó, mỗi chiếc đèn cao 23cm sẽ được làm từ vỏ của hai đến ba quả cam trồng tại một gia trại ở tỉnh Messina của Sicily. Từ bề mặt có các lỗ nhỏ li ti đến mùi thơm dịu nhẹ và màu sắc tươi sáng, chắc hẳn ai nhìn vào cũng sẽ phải thích thú vì khám phá ra được nguồn gốc của chiếc đèn độc đáo này.
Đại diện công ty này chia sẻ: “Chúng tôi cần một loại nguyên liệu bền vững để sản xuất đồ nội thất. Trong khi đó, chỉ tính riêng đảo Sicily là đã sản xuất khoảng 3% sản lượng cam toàn cầu. Điều này cho phép chúng tôi tích trữ vỏ cam và có thể sản xuất đèn Ohmie một cách xuyên suốt”.
Krill Design cho biết, họ luôn quan tâm đến việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất các mặt hàng nội địa. Cam là một trong nhiều nông sản của Italia có độ nổi tiếng bao phủ trên toàn thế giới, do đó họ tin rằng đây là một biểu tượng tốt đẹp để có thể biến đổi sang hình dạng một món đồ trang trí nội thất.
Lý giải cho việc tại sao sử dụng kỹ thuật in 3D cho sản phẩm này, Krill Design cho biết điều đó sẽ giúp tránh bất kỳ hình thức lãng phí nào trong quá trình sản xuất.
Hãng giải thích quy trình: “Sau khi được chuyển đến văn phòng ở Milan, vỏ cam sẽ được làm khô, nghiền và rây để đảm bảo độ mịn phù hợp. Tiếp đó, bột vỏ cam được gửi đến một cơ sở sản xuất hỗn hợp và được kết hợp với tinh bột thực vật để tạo ra màng sinh học. Kế đến, chất tạo màng sinh học này lại được chế biến thành dạng viên nén, sau cùng là được cho vào trong máy in 3D để tạo hình và sản xuất”.
Các nhà thiết kế tại Krill Design hy vọng, chiếc đèn bàn làm từ vỏ cam này sẽ thể hiện cho mọi người thấy, những thứ mà chúng ta cho là bỏ đi có thể được tái sử dụng thành công như thế nào về cả mẫu mã lẫn chức năng, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường gây biến đổi khí hậu.
Đặc biệt hơn, sau khi hết tuổi thọ, đèn Ohmie có thể được tách nhỏ bằng tay thành nhiều mảnh vụn trước khi vứt bỏ cùng với rác thải hữu cơ của hộ gia đình. Ngoài ra, các mảnh vụn này cũng có đem đi xử lý trong các cơ sở phân trộn để làm thành nhiên liệu sinh học”, theo Daily Design News.