Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại Hà Nội.
Theo kế hoạch được công bố tại đại hội, ban điều hành của MB cho biết năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo còn có nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức 2,9% thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch.
Nhiều nền kinh tế lớn phải đối mặt với các rủi ro về tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu. Các NHTW trên toàn cầu tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất để kìm lạm phát làm tăng nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.
Tại đại hội, ngân hàng sẽ trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.
Nguồn để thực hiện trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế MB của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế riêng MB sau khi trích lập các quỹ năm 2022 dự kiến là 12.151 tỷ đồng. Thời gian cụ thể trong năm 2023.
Số vốn thu được từ các phương án này dự kiến sẽ được sử dụng phần lớn (7.088 tỷ đồng) để đầu tư năng lực và phần còn lại (1.255 tỷ đồng) để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác.
Với việc tăng vốn này, ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 10 - 15% trong năm 2023.
Đại hội đồng cổ đông lần này cũng sẽ thực hiện thông qua tờ trình miễn nhiệm đối với ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB (theo nguyện vọng cá nhân của ông Đức). Số lượng thành viên HĐQT giảm về 10 thành viên, ông Lưu Trung Thái hiện đang đảm nhận vị trí này thay ông Lê Hữu Đức.
MB cũng cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.
HĐQT đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với Cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.
Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc. Theo một số nguồn tin, OceanBank là khả năng sẽ là ngân hàng được nói đến trong các phương án nói trên.
Phần thảo luận:
- Tại sao phương án nhận chuyển nhượng đã thực hiện một năm rồi mà lại chưa được nhận chuyển giao, lý do là gì? Theo nguyên nhân tôi được biết là do vấn đề đánh giá lại tài sản, nhưng đây là tài sản 0 đồng thì cần gì phải định giá? Xin ban lãnh đạo làm rõ điều này.
Phó TGĐ thường trực Phạm Như Ánh: Việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được trình và thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022. Hiên tại, chúng tôi đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng, đã bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc TCTD đó được.
- MB có lượng cho vay BĐS cao, trong bối cảnh lĩnh vực này đang xấu, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của MB ntn? Lượng cho vay và trái phiếu lĩnh vực BĐS có quy mô ra sao?
Phó TGĐ thường trực Phạm Như Ánh: Cho vay BĐS gồm cho vay kinh doanh BĐS và cho vay cá nhân mua nhà để ở. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm 7,8% trên tổng quy mô cho vay, thuộc top các ngân hàng thấp nhất trên thị trường. Nếu cộng cả cho vay cá nhân mua nhà thì cao nhưng không thể hiện đúng bản chất.
- Quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu? và quy mô dự kiến bị chuyển nhóm của nhóm này là bao nhiêu? Định hướng tiếp theo của MB là thế nào khi nhóm khách hàng DN lớn Novaland - Hưng Thịnh, Trung Nam đang có vấn đề?
Phó TGĐ thường trực Phạm Như Ánh: Tôi xin phép không được cung cấp thông tin số dư cụ thể các khách hàng này vì đây là quy tắc bảo mật thông tin với khách hàng. Tuy nhiên cũng xin đưa ra một số thông tin như sau:
Với Hưng thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.
Novaland là đối tác bất động sản lớn với nhiều bên, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên chúng tôi quản lý đánh giá theo từng dự án cụ thể. Tính đến hiện tại số dư TPDN của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này chúng tôi đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và KHCN.
Hiện chúng tôi vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023.
Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trởi. hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Vấn đề với bất động sản không chỉ là của riêng Novaland mà toàn ngành BĐS. Vấn đề lớn nhất là vấn đề pháp lý không phải là vấn đề tài chính. Tài chính là vấn đề hậu quả. Hiện nay để có thể mở bán các thủ tục cũng kéo dài tới vài năm. Tỷ lệ cho vay này nằm trong phạm vi cho phép.
MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói. MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh BĐS khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án BĐS không riêng Novaland đều có TSBĐ, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.
Một số dự án điện đóng điện chậm so với tiến độ dự kiến, lý do là thực hiện vào đúng giai đoạn COVID-19. Hiện Chính phủ đã ra thông tư cho nhóm dự án chuyển tiếp này.
Hiện do mức giá điều chuyển bị giảm thì các nhà đầu tư đang chạy để có giá tốt hơn. Các nhà đầu tư này đều là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh và đã xoay đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MB và chúng tôi đã cơ cấu và điều chỉnh phù hợp với các khoản này. Dự kiến năm nay có giá FIT mới sẽ đảm bảo được tiến độ và khả năng chi trả.
MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, Chúng tôi không có đầu tư gì với Novaland. MB là chủ nợ đứng thứ 4 -5 trong cho vay Novaland.
- Về vấn đề thu hồi nợ và cho vay tại Mcredit. Sau COVID-19, kinh tế khó khăn, người vay khó trả nợ, điều này ảnh hưởng gì tới vấn đề thu hồi nợ và cho vay tại Mcredit?
Phó Chủ tịch Vũ Thị Hải Phượng: Năm 2020, HĐQT MB quyết định tái cơ cấu toàn diện Mcredit trên 5 nội dung chính: tái cơ cấu để tăng doanh thu; tối ưu chi phí hoạt động; các biện pháp thu hồi nợ; xây dựng chiến lược mới trong giai đoạn tiếp theo và nhận diện lại thương hiệu Mcredit trên thị trường.
Sau 3 năm tái cơ cấu và đặc biệt sau 2 năm COVID gây gián đoạn về kinh doanh, sau đó các sự kiện như SCB tác động làm chi phí vốn huy động thị trường tăng cao, Mcredit đã đạt được kết quả như sau:
Kết thúc năm 2022, Mcredit đạt Top 3 thị phần (từ 5% năm 2019 lên trên 12% - năm 2022); CIR đạt 29,4%; ROE đạt 40,6%; Net Profit Margin đạt 21,1% dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng. Công ty đạt Top 2 về lợi nhuận với 1.200 tỷ của năm 2022, chỉ thua Home Credit (1.400 tỷ đồng).
Nợ xấu của Mcredit ở mức 6,5%, đạt được mục tiêu định hướng cho mảng này.
Kết quả trong quý I, tăng trưởng tín dụng đạt trên 1%, nợ xấu tăng nhẹ 7,8% trong đó liên đới CIC là trên 1%. Chúng tôi vẫn duy trì lợi nhuận 302 tỷ đồng trong quý I. CIR kiểm soát ở mức 23%.
- Thông tư 02 mới ban hành, MB có bộ tiêu chí đánh giá về tái cơ cấu này chưa và ước tính sơ bộ các khoản nợ tái cơ cấu này là bao nhiêu?
Phó TGĐ thường trực Phạm Như Ánh: Thông tư 02 mới ban hành và chiều nay NHNN mới họp với các TCTD để triển khai. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án để thực hiện. Tuy nhiên theo đánh giá ban đầu số lượng này là không nhiều.
- KQKD của ngân hàng trong năm 2022 là tốt. Do đó, tôi đề nghị chia cổ tức tỷ lệ 22% trong đó 15% để tăng vốn điều lệ và phần còn lại 7% để chia cổ tức tiền mặt.
- Đề nghị tăng tỷ lệ cổ tức do trong năm 2022 lợi nhuận đã tăng trưởng 37%, khối ngân hàng tăng trưởng tới hơn 41%.
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Về đề nghị trả thêm 2% cổ tức tiền mặt, tôi xin trả lời như sau hàng năm chúng ta vẫn đưa ra mục tiêu trả cổ tức khoảng 15%, năm 2020 trả tới 35% còn năm 2021 trả 20%. Năm 2023 dự kiến sẽ là năm khó khăn hơn, do đó theo tôi phương án này là phù hợp với năm nay. Giữ lại một chút thặng dư, khi đó yêu cầu quản trị với vốn chủ sở hữu tăng lên.
- Số dư bảo lãnh của MB rất lớn, có bao nhiêu phần là bảo lãnh cho trái phiếu?
Chủ tịch Lưu Trung Thái: Số dư bảo lãnh xấp xỉ 18.000 tỷ, không có bảo lãnh trái phiếu nào, chủ yếu bảo lãnh thị trường dầu và một phần là bảo lãnh thanh toán.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.