Mỗi dịp lễ, người dân miền Tây lại lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy về quê. (Ảnh: Lê Phan).
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra với người dân trên đường về quê nghỉ lễ. Mới đây nhất, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tối 27/4 giữa xe máy với xe bồn khiến 2 vợ chồng chết tại chỗ, đáng nói là người vợ đang mang thai.
Vụ tai nạn này xảy ra trên tuyến quốc lộ N2 qua địa phận huyện Đức Hòa, tỉnh Long An khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Trước thực trạng trên, nhiều người thắc mắc tại sao người dân không chọn đi xe khách về quê để an toàn hơn.
Tuổi Trẻ Online trích một số ý kiến người dân về vấn đề này.
Chị Phạm Ngọc Nhi, quê An Giang, chia sẻ chị chọn đi xe máy vì nhanh và tiện. Xe khách những dịp lễ sẽ rất đông và chưa kể ở các tỉnh sẽ không có hoặc ít hãng xe lớn, các nhà xe địa phương mặc sức tăng giá mà không ai quản lý.
"Dù sao tôi vẫn thích đi xe máy hơn nếu thời gian nghỉ nhiều, dài ngày. Ngoài ra, nếu biết đường tắt tôi có thể đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian di chuyển trên đường nếu kẹt xe", chị Nhi nói.
Còn anh Trần Giang Hải, quê Lâm Đồng, cho biết do đặc thù công việc nên anh không chủ động được ngày về để đặt vé xe. Đến lúc ra mua vé thì không có do tuyến TP HCM - Đà Lạt rất đông khách dịp lễ, không còn cách nào anh Hải và bạn chạy xe máy gần 300km để về nhà.
Nhiều người dân vẫn có thói quen đi xe máy về quê dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Lê Phan).
"Đường sá mấy ngày này đông kinh khủng, nhiều đoạn ùn ứ kéo dài do đường đang sửa. Có lúc tôi đang chạy thì bị xe khách chạy chiều ngược lại vượt lấn đường ép sát vào lề, không kịp thắng lại sẽ lọt xuống mương nước bên đường, về tới nhà nghĩ lại vẫn rùng mình. Lần sau tôi sẽ tranh thủ đặt vé xe sớm vào các dịp này", anh Hải cho biết.
Làm việc tại TP HCM nhưng quê ở Cà Mau, mỗi dịp lễ tết, hai chị em chị Lê Thị Bích Huệ lại thay nhau cầm lái 10 tiếng đồng hồ để về tới nhà.
Chị Huệ cho biết chị mình làm công nhân tại Bình Dương, còn bản thân chị vẫn đi học nên hai chị em thấy đi xe máy sẽ tiết kiệm được nhiều.
Chị Huệ nhẩm tính tiền xăng từ TP HCM về đến nhà chị khoảng 150.000 đồng, thêm tiền ăn uống của cả hai chị em tất cả dao động 300.000 đồng trở lại.
Trong khi đó vé xe khách mỗi người đã hết 300.000 đồng nếu đi xe quen. Trong trường hợp không kịp mua vé thì đi các xe lạ thường bị nhồi nhét và tiền vé cao hơn do các nhà xe biết mình cần họ.
"Gia đình tôi có 3 chiếc xe nên nếu không đem xe về quê cũng không sao. Nhiều gia đình khác cả nhà chỉ có 1 chiếc xe, mọi người mang lên thành phố làm việc đến lễ thì chạy về quê để có phương tiện đi lại. Ở quê không có xe ôm công nghệ nên đi lại rất bất tiện, lễ tết ai cũng có nhu cầu di chuyển nên mượn xe rất khó.
Một phần các khu trọ thường phức tạp, xe máy để lại mấy ngày lễ rất bất an, lỡ bị cạy cửa lấy mất thì mất cả khối tài sản dành dụm lâu mới mua được", chị Huệ bộc bạch.
"Đường về miền Tây mỗi dịp lễ, tết ken đặc người nên chỉ cần một xe dừng lại là các xe sau húc tới, thêm đồ đạc cồng kềnh nếu bị rớt ra đường là có người tông trúng rồi té ngay. Nhưng vé xe những dịp này quá hiếm, mua được tấm vé về quê cũng phải xếp hàng nhiều giờ, thay vào đó đi xe máy có thể chủ động thời gian", chị Huệ nói.