VFC mời thì dù vai mờ nhạt cũng nhận
- Mới đây VTV thông báo chính thức về việc khởi quay "Quỳnh búp bê" phần 2 và sẽ mời dàn diễn viên phần 1. Anh đã nhận được lời mời chưa?
Tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ nhà sản xuất cũng như giám đốc hãng phim. Tuy nhiên nếu đạo diễn có lời mời thì chắc chắn tôi sẽ sắp xếp mọi công việc để tham gia đến cùng.
Cũng xin chia sẻ thật, VFC đối với tôi như một gia đình. Tôi đến với điện ảnh là nhờ VFC, nhờ VFC mới có Minh Tiệp hôm nay. Vì thế, tôi từng nói, hãng phim khác mời có thể bận quá mà từ chối vì từng có thời gian nhiều hãng phim Sài Gòn mời nhưng tôi không sắp xếp được công việc nên bị nói là "chảnh". Đó chính là khoảng thời gian tôi dừng đóng phim, nhưng nếu là VFC mời thì dù bận cách nào tôi cũng phải nhận. Không bao giờ từ chối - dù vai to hay vai nhỏ.
Diễn viên Minh Tiệp.
- Kết thúc phần 1, việc Vũ “mặt sắt” trả lại con cho Quỳnh một cách quá đơn giản khiến khán giả cho rằng nhân vật này sẽ quay lại trong phần mới?
Thật ra tôi nghĩ Vũ đã hết vai trò ở phần 1 rồi, phần 2 mà xuất hiện thì chẳng biết sẽ làm gì. Vì thế cũng không loại trừ khả năng biên kịch, đạo diễn sẽ gạt Vũ ra để xây dựng tuyến mới cho Cảnh, cuộc đời của Cảnh và Quỳnh. Vũ nếu xuất hiện có chăng cũng sẽ rất lu mờ.
Nhưng có “mờ” mà VFC mời thì tôi cũng nhận (cười).
- Nhiều phim Việt ăn theo thành công của phần 1 nhưng đến phần 2 thì bị giảm nhiệt. Anh có lo ngại “Quỳnh búp bê” phần 2 không đạt kỳ vọng không?
Đối với tôi, nghệ thuật là “món ăn” về mặt tinh thần, có người thấy ngon có người lại nói chẳng ra gì. Chính tôi - diễn viên cũng là một trong những “món ăn” của khán giả. “Khẩu vị” mỗi người khác nhau nên tôi không thể nói là phim đấy hay, phần đấy hay và áp đặt mọi người rằng nó hay. Không. Cá nhân tôi thấy mỗi giai đoạn sẽ có cái hay riêng. Như trẻ con thì bảo người lớn chả có trò gì chơi nên cuộc sống không vui. Lớn lên rồi lại thấy các cụ già cứ quanh quẩn ra vào thì buồn tẻ. Thực tế ở mỗi góc độ mọi người lại tìm thấy thú vui riêng. Phim cũng vậy. Còn tôi, phim nào cũng xem từ đầu đến cuối và thấy phần nào cũng hay, cũng hấp dẫn (cười).
- Sau mười mấy năm với vai trò diễn viên qua các dạng vai thư sinh si tình nhưng đến giờ Minh Tiệp trong mắt khán giả lại là một đại ca mặt lạnh - Vũ mặt sắt. Anh có nghĩ khả năng của bản thân còn có thể ở một chất vai khác?
Đời diễn viên mỗi người được mấy vai đinh? Anh Hoàng Dũng cũng đến ngoài lục tuần mới gặp “Người phán xử”.
Còn tôi, sau một thời gian dừng đóng phim, khi trở lại thì thấy mình đã già. Ở cái tuổi ngoại tứ tuần rồi không thể nào đóng những vai yêu đương lãng mạn như “Lập trình cho trái tim” hay “Ban mai xanh”. Nếu có thì sẽ là những vai bố, tình nhân, hoặc phản diện như Vũ mặt sắt. “Gặp” được Vũ cũng là thành công rồi.
Còn đã đến lúc tôi lui về dần để các bạn trẻ phát triển. Đó cũng là quy luật rồi. Như thời lứa trẻ chúng tôi lên thì lớp người như anh Trọng Trinh, Trần Lực lại lui về.
“Xã hội giờ đống nghề mới sống, một nghề là chết”
Cuộc sống viên mãn hiện tại của Minh Tiệp bên vợ con.
- Nhiều diễn viên, sau một thời gian đóng phim sẽ thử sức với vai trò khác như đạo diễn chẳng hạn. Anh thì sao?
Nói rất thật, chúng tôi vẫn thường trêu nhau rằng nghệ sĩ cũng cần tìm cách “hạ cánh” an toàn. Nghệ sĩ nghèo thì làm thế nào để tồn tại nếu không đóng phim? Nghệ sĩ giàu rồi thì làm gì để giàu hơn nữa? Ai chẳng phải tính toán.
Một thực tế, nghệ sĩ không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới đều không thể chỉ sống mãi bằng cát sê - thu nhập không đều đặn. Mỗi nghệ sĩ đều có lựa chọn hướng đi riêng ngoài nghệ thuật. Vợ Beck cũng phải kinh doanh thời trang đó thôi. Ở Việt Nam, Hồ Ngọc Hà mở thương hiệu son môi mà mọi người nói đùa là ca sĩ bán son; hoa hậu Kỳ Duyên cũng phải mở quán Nail, danh hài Trường Giang mở nhà hàng, …
Các cụ xưa có câu: một nghề thì sống, đống nghề thì chết. Nhưng xã hội giờ đống nghề mới sống, một nghề là chết. Quan trọng là trong đống nghề đó phải xác định đâu là nghề chính. Tôi từng học lớp đạo diễn nhưng nói sau này tôi đổi sang làm đạo diễn thì không. Thành thực mà nói thì hiện nay công tác tại Bộ VH-TT&DL đã “ngốn” phần lớn thời gian của tôi. Nhưng dù có làm gì tôi vẫn mong khán giả nhớ đến và gọi tôi là diễn viên Minh Tiệp.
- Nói như anh thì diễn viên đang không sống được bằng nghề sao?
Không phải. Hiện nay nhiều nghệ sĩ vẫn sống được bằng nghề đấy chứ nhưng vấn đề là sống như thế nào?
Theo quan niệm của tôi, đóng phim cũng mang tính thời vụ. Phim của bạn hay, hiệu ứng tốt thì sẽ đem lại nguồn thu từ quảng cáo, các khoản thu nhập ngoài một cách tức thì. Nhưng sau một thời gian hết phim, diễn viên hết hot thì đâu lại vào đấy.
Diễn viên nào nhanh nhạy, tận dụng được sức nóng tên tuổi thì chớp thời cơ tìm hướng đi lâu dài như kinh doanh chẳng hạn. Trông chờ catse cũng được chỉ là không ổn định thôi.
Diễn viên giờ tự do hoạt động chứ không như xưa, không ai nuôi hay bao cấp. Hoạt động tự do nên giàu - nghèo là do chính bản thân. Cũng là diễn viên nhưng có người sống vương giả, ở biệt thự, penthouse, xe sang… Đó là do họ biết phấn đấu, biết nắm bắt.
Có nhiều người nói tôi có thế lực đứng sau hỗ trợ tài chính nên mới nhiều nhà, nhiều xe. Nhưng tôi khẳng định và tự hào rằng mình đi lên bằng mồ hôi công sức, bằng đôi chân của mình. Tôi tự xoay sở, định hướng và có được ngày hôm nay.
- Vậy danh tiếng của một diễn viên giúp gì cho “con đường ngách” của anh?
Mỗi nghệ sĩ có lựa chọn riêng khi ở đỉnh cao sự nghiệp. Có thể vì tôi không học điện ảnh, là dân kinh doanh nên tôi rất thực tế. Tôi cảm nhận rõ ràng bản thân mình ở đâu, đang thế nào, không bao giờ sống kiểu vị nghệ thuật, “trên mây”. Thời điểm đóng “Ban mai xanh” tôi biết tôi đã ở đỉnh cao và sau đỉnh là sườn dốc. Vì thế phải tận dụng mọi thứ. Song song làm việc ở VTV, diễn viên, tôi mở công ty đào tạo người mẫu, diễn viên và kinh doanh.
Truyền hình giờ bao nhiêu phim, bao nhiêu diễn viên sao ở trên đỉnh cao mãi được. Vì thế cần phải tận dụng. Đó là lợi thế của diễn viên.
Tất nhiên đến một gày nào đó Minh Tiệp cũng sẽ phải tuyên bố chính thức dừng hoạt động nghệ thuật. Tuyên bố thẳng và dừng hẳn chứ không le lói. Chắc chắn sẽ đến ngày đó nhưng chưa phải là bây giờ. Lúc đó có xuất hiện truyền thông thì sẽ là một vai trò khác diễn viên.
- Thế hệ diễn viên như anh là thế còn hiện tại, nhiều nghệ sĩ tận dụng tên tuổi dự sự kiện, đóng quảng cáo và “chảnh”. Anh thấy đúng không?
Thực sự tôi chưa từng chảnh với ai. Thời điểm tôi ở đỉnh cao hay như bây giờ tôi đều rất tôn trọng khán giả, tôn trọng đối tác. Nhưng thú thật có một hiện thực đáng buồn là hiện nay không ít nghệ sĩ trẻ mới nổi hay thậm chí là nghệ sĩ đứng tuổi có “name” đều tự cho mình cái quyền được chảnh.
Cái quyền đó thể hiện đầu tiên ở việc “cho” bản thân được phép đến muộn trong các sự kiện mà chẳng thèm xin lỗi. Tại sao lại thế? Hành động đó không thể hiện đẳng cấp mà cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, coi thường người khác và coi thường chính tên tuổi của mình.
Không tuân thủ được giờ giấc - điều đơn giản nhất, nhỏ nhất bạn cũng không làm được thì bạn sẽ không làm được điều gì lớn lao.
Cảm ơn chia sẻ của anh!