Điều chỉnh quy hoạch các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi được đầu tư và hoàn thành sẽ góp phần kết nối hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều chỉnh quy hoạch các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+/TTXVN).

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu quy mô, phương án tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (đoạn tuyến kéo dài đến cảng Trần Đề) trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ; lấy ý kiến thỏa thuận của các địa phương liên quan làm cơ sở báo cáo Bộ xem xét, chấp thuận.

"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (điều chỉnh phương án tuyến và lộ trình đầu tư); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (bổ sung đoạn tuyến kéo dài đến cảng Trần Đề, lộ trình đầu tư) An Hữu - Cao Lãnh thuộc tuyến Trà Vinh - Hồng Ngự (bổ sung); Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (điều chỉnh lộ trình đầu tư). Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các tuyến cao tốc gửi về Tổng cục Đường bộ trước ngày 20/3," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trong quá trình nghiên cứu quy mô, phương án tuyến đối với các tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng thời hướng dẫn Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ 4 tuyến cao tốc nêu trên.

Trên cơ sở hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ 4 tuyến cao tốc do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập; tờ của Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tổng cục Đường bộ kiểm tra, rà soát và trình Bộ điều chỉnh quy hoạch 4 tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Trà Vinh-Hồng Ngự; Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu trước ngày 25/3 làm cơ sở để Bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng.

Cụ thể, 7 tuyến cao tốc bao gồm các đoạn Cần Thơ-Cà Mau, Chơn Thành-Đức Hòa, Đức Hòa-Mỹ An, Mỹ An-Cao Lãnh, An Hữu-Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên, Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km.

Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên, Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.

Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.