Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc vào năm 2025

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cùng với đường cao tốc, 4 trục dọc và 4 trục ngang sẽ giúp giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện. Bộ trưởng cho biết, đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc.

Sáng 10/11, Quốc hội bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giao thông, hàng không.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (tỉnh Cà Mau) về đầu tư các tuyến đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc.

"Nếu hoàn thành đúng kế hoạch của Chính phủ thì đến năm 2025 chúng ta có thể có 400 km đường cao tốc. Tuy nhiên vẫn còn rủi ro, vì thế xin báo cáo Quốc hội là từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc. Cùng với đường cao tốc, 4 trục dọc và 4 trục ngang sẽ giúp giao thông vùng ĐBSCL được cải thiện", Bộ trưởng cho biết.

Nói rõ hơn về con số này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, khu vực ĐBSCL hiện nay có 40 km đường cao tốc đoạn TP HCM - Trung Lương, cuối năm nay sẽ thông xe tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận (dài 54 km). Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2021 sẽ thảm nhựa để đưa toàn bộ 54 km này vào sử dụng và có 7 km đường kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai cả 4 gói thầu và theo kế hoạch đến năm 2023 chúng ta sẽ xây dựng xong cầu Mỹ Thuận 2. Đối với 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ, trong tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công cả 3 gói thầu.

Phần còn lại, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và Quốc hội cũng đã thảo luận, sẽ thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Như vậy đoạn từ TP. Cần Thơ đến TP. Cà Mau dài khoảng 170 km sẽ là ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Ngoài ra còn đoạn cao tốc từ cầu Cao Lãnh ra An Hữu dài 30 km, khi làm xong thì từ TPHCM đi Kiên Giang sẽ có nhánh thứ 2 đi cao tốc.

Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT cũng đang tập trung 4 trục dọc phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL gồm đường Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười, QL1 được nâng cấp, tuyến cao tốc TPHCM - Cà Mau và QL60, khởi công cầu Rạch Miễu 2.

Bên cạnh đó, phát triển 4 trục ngang là QL62, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.