Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La rộng 10.000 ha thuộc tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình đến năm 2040, tỷ lệ 1/10.000

Phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính 6 xã ven biển của huyện Quảng Trạch là Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân với diện tích khoảng 10.000 ha. Trong đó, diện tích phần đất liền khoảng 8.900 ha, diện tích đảo và biển khoảng 1.100 ha.

Quy mô dân số hiện trạng là 50.900 người; dự báo đến năm 2030 là khoảng 75.000 - 80.000 người, đến năm 2040 là khoảng 105.000 - 120.000 người.

Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La rộng 10.000 ha thuộc tỉnh Quảng Bình - Ảnh 1.

Một góc Khu kinh tế Hòn La. (Nguồn: Bộ Xây dựng).

Ranh giới phía bắc khu kinh tế giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía nam giáp phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn; phía Tây giáp các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Tiến, Quảng Lưu, Quảng Phương, huyện Quảng Trạch và phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn; phía đông giáp biển Đông.

Thời gian lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040.

Mục tiêu quy hoạch nhằm Xây dựng Khu kinh tế Hòn La hoàn chỉnh về cơ cấu chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài.

Việc lập quy hoạch cũng sẽ tạo tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế chính sách thông thoáng với các tiêu chuẩn hạ tầng hiện đại; làm cơ sở cho các chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng hiện hành và làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Về tính chất, đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp - cảng biển - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm, ngư nghiệp.

Khu kinh tế Hòn La trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Bình, có các điều kiện về hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ; có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác,...

Về hạ tầng giao thông, xác định mối liên kết trong chiến lược phát triển giao thông của quốc gia, vùng kinh tế duyên hải Bắc Trung Bộ và vùng tỉnh Quảng Bình  liên quan trực tiếp đến Khu kinh tế Hòn La và các giải pháp kết nối với quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, về cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không.

Giao thông hàng hải và đường thủy nội địa sẽ nghiên cứu quy hoạch cảng biển Hòn La trở thành cảng loại I; bố trí các luồng lạch ra vào cho tàu thuyền vận tải, tàu thuyền nghề cá, du lịch và các hoạt động khác; nghiên cứu đề xuất phương án bố trí cảng cạn kết hợp với trung tâm logistics.

Phát triển giao thông công cộng đô thị theo hướng tiên tiến và hiệu quả, hình thành tuyến xe buýt nhanh (BRT) kết nối với sân bay Đồng Hới, khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.