Quảng Bình tổ chức thi tuyển chọn thiết kế kiến trúc cầu Nhật Lệ 3

Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 bắc qua sông Nhật Lệ thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình vừa ra thông báo mời thi tuyển phương án kiến trúc công trình Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu.

Theo tỉnh Quảng Bình, Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề giao thông đối nội khu vực trung tâm tỉnh lỵ để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc có năng lực, chuyên môn phù hợp. Tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển rộng rãi trong nước, thời gian đăng ký từ ngày 12/8 đến 16h ngày 12/9. Nộp hồ sơ dự thi về Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình trước 11h ngày 26/9.

Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi tuyển lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Nhật Lệ 3 và thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cũng tham mưu việc thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc; kế hoạch, dự toán kinh phí và quy chế thi tuyển kiến trúc cầu Nhật Lệ 3, đồng thời tổ chức triển khai các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Cầu Nhật Lệ 3 là công trình nối hai bờ đông – tây sông Nhật Lệ, thuộc địa bàn xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Cùng với hai cây cầu đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, cầu Nhật Lệ 3 hứa hẹn sẽ kết nối các trục đường nội thành theo quy hoạch chung của đô thị Đồng Hới, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển nối liền giữa các vùng đô thị trung tâm với bờ biển phía đông.

Hiện nay trên sông Nhật Lệ đã có hai cây cầu, bao gồm cầu Nhật Lệ 1 và cầu Nhật Lệ 2, trong đó cầu Nhật Lệ 2 được khánh thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2017.

Quảng Bình tổ chức thi tuyển chọn thiết kế kiến trúc cầu Nhật Lệ 3 - Ảnh 1.

Cầu Nhật Lệ 2 là công trình điểm nhấn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Lê Đức Thành/QBTV).

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình là một trong không nhiều những địa phương tại Việt Nam có kết nối liên hoàn với đủ 5 loại hình vận tải.

Trong đó, tỉnh này có gần 9.400 km đường bộ, 174 km đường sắt (19 ga) nằm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, 242 km chiều dài đường thủy nội địa với 5 hệ thống sông chính. Về đường biển, tỉnh có bờ biển dài hơn 116 km với cảng Gianh có khả năng tiếp nhận tàu đến 1.000 DWT, cảng Hòn La tiếp nhận tàu đến 15.000 DWT, hiện đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT.

Những năm gần đây, hạ tầng Quảng Bình đón nhiều sự kiện có ý nghĩa như thông xe cầu Nhật Lệ 2; khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới – Chiang Mai; mở rộng Quốc lộ 1A; mở rộng nâng cấp đoạn Minh Cầm – Đồng Lê, cải tạo nâng cấp đoạn Khe Ve – Cha Lo…

Mới đây. Bộ Giao thông vận tải cũng vừa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và nhà máy Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Dự án do Sở Giao thông vận tải Quảng Bình làm chủ đầu tư.

Phạm vi dự án có tổng chiều dài khoảng 10,82 km, gồm hai đoạn. Đây là dự án nhóm B, tổng mức đầu tư dự án 474,78 tỷ đồng. Nguồn vốn được trích từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Về thời gian thực hiện, tuyến đường tránh qua nhà máy xi măng Sông Gianh sẽ hoàn thành vào năm 2022, đoạn tránh thị xã Ba Đồn sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Quốc lộ 12A là tuyến giao thông đường bộ quốc gia chạy trong địa phận tỉnh Quảng Bình.

Điểm đầu tuyến là ngã ba giao cắt với quốc lộ 1A ở thị xã Ba Đồn, phía đông Quảng Bình). Điểm cuối tuyến là cửa khẩu quốc tế Cha Lo trên biên giới Việt - Lào, thuộc huyện Minh Hóa phía tây Quảng Bình.

Toàn tuyến dài khoảng 145,5 km, chạy qua thị xã Ba Đồn, các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, qua Đồng Lê, Quy Đạt, dọc theo sông Gianh.

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.