![]() |
Chuyện người Nhật ở Trung tâm lọc máu hiện đại nhất Việt Nam |
![]() |
Yếu tố để bệnh nhân chạy thận nhân tạo sống thêm 20 - 30 năm |
Những thực phẩm thích hợp
![]() |
Chất xơ có trong các loại rau, trái cây, củ, quả, nấm, các loại có vỏ hạt… |
BS CKII Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa - Trưởng khoa Lọc máu (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính. Chế độ ăn thích hợp nhằm đảm bảo thể trạng tốt cho người bệnh là cung cấp vừa đủ chất đạm, không để thiếu hụt acid amin thiết yếu.
Theo đó, tổng năng lượng cần cung cấp cho người bệnh là khoảng 35kcalo/kg/ngày. Trong đó chất đạm là 12 - 15% (1g đạm cung cấp 4 Kcalo), chất đường là 55% (1g đường cung cấp 4 Kcalo), chất béo khoảng 30% (1g chất béo cung cấp 9 Kcalo). Ngoài ra cần có vitamin khoáng chất và chất xơ, đảm bảo cân bằng muối nước, đủ canxi, ít phosphate.
Thực phẩm cung cấp chất đạm bao gồm thịt nạc heo, bò, gà; các loại cá; Nghêu, sò, óc, hến, tôm, cua, mực…; Sữa, sữa đậu nành; các loại trứng.
Chất béo có trong mỡ, dầu các loại, bơ, phô mai.
Thực phẩm cung cấp chất bột đường gồm gạo, nếp, bột gạo, bột nếp (cơm, bún, phở, bánh canh, hủ tiếu, bánh ướt, bánh giò, bánh đa…); Bột mì (mì, nui…); Củ: Khoai lang, khoai tây, khoai mỡ, khoai môn, khoai sọ, củ ấu, củ cải, củ từ, miến…; Đường mía, mật ong, mạch nha; Chè, kẹo, mứt, chocolate bánh ngọt, kem, nước ngọt; Sữa đặc có đường.
Chất xơ có trong các loại rau, trái cây, củ, quả, nấm, các loại có vỏ hạt…
Chế độ ăn giảm đạm
![]() |
Amino acid thiết yếu là loại đạm cần được cung cấp từ thịt cá, trứng, sữa... |
Đạm là chất không thể thiếu cho đời sống của các tế bào trong cơ thể tuy nhiên chất này sẽ sinh ure và ure sẽ bị tích tụ lại cơ thể khi suy thận. Người bệnh có thể dùng những protein quý có giá trị sinh học cao, đủ acid amin thiết yếu, tỷ lệ hấp thụ cao giúp giảm độc chất gây hội chứng ure huyết cao, làm chậm tiến triển bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
"Ở bệnh nhân thận mạn giai đoạn 3, 4 chế độ ăn giảm đạm 0,6 - 0,75g/kg/ngày giúp duy trì quân bình nitơ cùng với sử dụng amino acid thiết yếu có thể giúp làm chậm diễn tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối", BS Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa thông tin.
Amino acid thiết yếu (còn gọi là acid amin thiết yếu) là loại đạm mà cơ thể không tự tạo ra được cần phải cung cấp từ bên ngoài, từ các loại thịt cá, trứng, sữa hoặc từ một số dược phẩm chuyên biệt.
Khi ăn không đủ các acid này quá trình tổng hợp các protein sẽ không xảy ra trọn vẹn, hậu quả là cơ bắp, nội tạng sẽ dần bị teo hay suy giảm chức năng. Trong 100g thịt cá có khoảng 20g đạm, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo có trọng lượng khoảng 50kg, có thể ăn 200 – 300g thịt cá.
Mặt khác, các loại thịt cá, trứng, sữa… đồng thời cũng chứa nhiều chất phốt pho (chất có thể gây hại cho hệ cơ xương và tim mạch). Do đó, bệnh nhân bệnh thận mạn nên thực hiện chế độ ăn giảm đạm đồng thời cung cấp thêm các sản phẩm có chứa amino acid thiết yếu dưới dạng tinh chế sẽ có lợi hơn cho cơ thể.
"Đối với bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo trong quá trình lọc máu các amino acid bị mất nên thực hiện chế độ ăn cung cấp đạm cao hơn so với trước lọc thận, trung bình 1 - 1,2g/kg/ngày. Bên cạnh đó, khoáng chất, vitamin, nhất là các vitamin tan trong nước như nhóm vitamin B, C cũng cần được cung cấp đầy đủ.
Đối với bệnh nhân thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), amino acid mất nhiều hơn từ 5 – 15g protein/ngày so với bệnh nhân chạy thận nhân tạo nên nhu cầu protein cao hơn khoảng 1,2 - 1,4g/kg/ngày", BS Trưởng khoa Lọc máu tổng kết.