Đồ chay giả mặn: Cẩn thận rước độc vào người

Đồ chay giả mặn hiện đang được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như một số nơi như Đài Loan, Trung Quốc…ưa dùng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, không nên khuyến khích. 

Dịch vụ làm cỗ chay vào mùa "hái ra tiền"

Rằm tháng Bảy âm lịch là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo, với ý nghĩa là ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, thể hiện nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật, là một trong “Tứ trọng ân” mà mỗi người con đều không thể quên.

Ngoài việc lên chùa lễ Phật thì ăn chay cũng là một việc làm không thể thiếu trong dịp này. Nắm bắt nhu cầu của người dân, những cửa hàng chay đã nhanh chóng lên kế hoạch phục vụ khách hàng cho riêng dịp này.

Chủ một quán chay trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Từ đầu tháng bảy tới nay, cửa hàng của tôi đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, lượng khách đặt tăng từ 20%-30% so với năm ngoái. Những ngày cao điểm này cửa hàng không dám nhận thêm đơn đặt hàng mới mà chỉ tập trung phục vụ những đơn hàng đã đặt trước đó”.

Chủ cửa hàng này cho biết, giá mỗi mâm cỗ chay sẽ phụ thuộc vào món ăn mà khách chọn. Theo đó, xôi vừng dừa nạo có giá 60.000 đồng/đĩa, xôi gấc có giá 70.000 đồng/đĩa, củ sen tươi chiên xù có giá 80.000 đồng/đĩa, giò chay có giá 50.000 đồng/đĩa, nem rau củ và nấm tươi 100.000 đồng/10 cái, đậu non sốt nấm tươi có giá 70.000 đồng/đĩa, ngô bao tử và nấm kho tiêu giá 80.000 đồng/đĩa,…

“Những mâm cỗ chay từ 5-7 món sẽ có giá dao động từ 400.000-800.000 đồng đang rất hút khách. Tuy nhiên, những mâm cỗ chay giả mặn có giá từ 1-1,2 triệu đồng cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng không kém”, chủ quán cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, những món chay được phục riêng cho dịp Rằm tháng 7 có giá dao động từ 50.000-120.000 đồng/món.

Theo đó, gỏi hoa chuối và rau tiến vua có giá khoảng 80.000 đồng, gỏi cuốn chay có giá 70.000 đồng, cà tím nướng thịt bằm giá 80.000 đồng, rau củ xào mề chay giá 80.000 đồng, rau củ theo mùa luộc chấm muối vừng giá 40.000 đồng, canh nấm tươi trả giò viên giá 70.000 đồng, mỳ vàng/bún gạo xào chay giá 80.000 đồng…

Bên cạnh đó, các món chay giả mặn như gà quay giá 120.000 -150.000 đồng/đĩa, cá sốt ngũ sắc giá 80.000-100.000 đồng/đĩa…

Khách hàng có thể lấy món rời hoặc tự chọn món để ghép thành mâm như: Xôi, giò, nem, rau, canh, gỏi, sốt... Ngoài việc phục vụ các món chay tại nhà hàng, năm nay nhiều cửa hàng triển khai chương trình giao đồ ăn đến tận nhà cho khách với đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên.

tin nhap 20160815091456
Đồ chay giả mặn là lựa chọn của nhiều gia đình mỗi dịp Rằm tháng 7.

Đồ chay đóng gói "tràn" chợ

Tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên, một số siêu thị hay ngay tại gần các đền, chùa, thực phẩm chay đóng gói, đồ ăn chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay được bày bán rất nhiều. Thực phẩm chay có giá bán bằng khoảng 2/3 so với thực phẩm mặn cùng loại.

Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới và các loại cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú, ngoài các thương hiệu uy tín lâu năm như sản phẩm đóng gói sẵn của Công ty Âu Lạc, Kim Chi, thì cũng có nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc).

Những sản phẩm này có giá rẻ hơn nhưng trên nhãn mác lại chỉ có một vài thông tin sơ sài, thậm chí nhiều sản phẩm không có hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất.

Chị Thiên An (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, từ Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan. Ăn rất ngon nhưng tôi nghĩ nó có nhiều chất bảo quản và phẩm màu, ví dụ như giò chay được làm bằng chất bột gì đó mà trông như miếng giò thật, hoặc ốc chay có rất nhiều hàn the, ăn giòn giòn nhưng không có mùi vị gì cả. Người bán hàng cứ bảo những món này là của Đài Loan (Trung Quốc) chứ Việt Nam thì không có. Việt Nam chỉ có rau củ quả tươi ăn hàng ngày thôi chứ không có những hàng đặc chủng như gà chay, cá chay, ba ba chay”.

tin nhap 20160815091456
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm.

Cẩn thận "chay" độc hơn "mặn"

Theo các chuyên gia, do nguyên liệu chế biến thực phẩm chay không được phong phú như thực phẩm bình thường nên việc sử dụng các phụ gia để ướp, chế biến, bảo quản… là điều chắc chắn. Đối với những cơ sở chế biến, sản xuất có uy tín, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì những loại phụ gia mà các cơ sở này sử dụng có thể đều nằm trong danh sách các phụ gia được phép dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Do giá thành các loại phụ gia này thường cao dẫn đến giá thành của thực phẩm cao.

Một số cơ sở vì chạy theo lợi nhuận, họ sẽ sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, nhưng giá thành thấp để chế biến thực phẩm. Hoặc nhập khẩu những sản phẩm không nhãn mác, không thời hạn sử dụng để bán. Những thực phẩm này sẽ gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Một số phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, khi vào cơ thể có thể gây tổn thương các cơ quan, thay đổi chức năng hoạt động của cơ thể, một số chất có thể gây biến đổi tế bào và đưa đến ung thư.

BS Nguyễn Trọng An, Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ-Trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, mọi người đều có quyền được lựa chọn thức ăn, cách ăn theo sở thích và thói quen ăn uống cũng tùy thuộc vào từng người. Đối với người ăn chay thì ngoài việc theo quy định của tôn giáo, chỉ định về dinh dưỡng điều trị mà còn là sở thích và có cả niềm tin trong đó.

Hiện nay, tại Việt Nam cũng như một số nơi như Đài Loan, Trung Quốc… có trào lưu 'ăn chay giả mặn', theo ông không nên khuyến khích. Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay.

Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều chất khác vào có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi cho giống thật, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó.

Do vậy nếu ăn trong một thời gian dài và ăn liên tục hàng tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự đầu độc cơ thể bởi những tác nhân xấu và sẽ gây ra một số bệnh về sau này.

Thông thường, thực phẩm chay chủ yếu làm từ đậu nành, rau củ quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, mầu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm… Đặc biệt là chất tạo mầu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng gây rối loạn về hoóc-môn giới tính, thậm chí gây ung thư.

Các thực phẩm có chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gút… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thực phẩm chay được làm một cách nghiêm túc là sử dụng các loại đậu và dầu đi từ dầu thực vật và các loại protein đi từ thực vật, thì người ta buộc phải áp dụng một phương pháp công nghệ là sử dụng các chất phụ gia để tạo nên đông đặc, tạo màu, mùi, vị. Nhưng vấn đề cơ bản là dùng chất phụ gia gì thì phải được kiểm soát.

Hiện nay người ta cũng chưa biết là họ dùng những chất phụ gia gì. Vì vậy buộc các nhà sản xuất phải đăng ký chất lượng và những chất phụ gia thêm vào đối với những sản phẩm đó cho các cơ quan chức năng. Và những sản phẩm nếu nhập khẩu phải có sự kiểm soát của cửa khẩu thì mới cho nhập vào”.

Trên thực tế, nhiều vụ thực phẩm chay mất an toàn vệ sinh đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Do đó, để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi là bảo đảm nhất.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.