Hùng Dũng (áo đỏ) thuộc số ít tiền vệ chơi công thủ toàn diện của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Đức Đồng.
- Cuộc sống của Hùng Dũng sau khi vô địch AFF Cup có gì thay đổi?
- Tôi được nhiều người tới nhà chúc mừng sau thành tích này. Giờ ra phố hoặc vào trung tâm thương mại, ai cũng nhận ra tôi. Cũng may là chưa có CĐV quá khích nào chặn xe. Dù có một chút bất tiện, tôi thấy vui vì sự đón nhận ấy. Đó là điều mà cầu thủ Việt Nam đều mong muốn.- Cuộc sống của Hùng Dũng sau khi vô địch AFF Cup có gì thay đổi?
- Đằng sau thành công luôn là sự khổ luyện, thậm chí hy sinh. Hùng Dũng có thể chia sẻ về hành trình từ khi được triệu tập vào đội Olympic Việt Nam dự Asiad 2018?
- Tôi lên V-League chơi bóng mùa đầu tiên năm 2016, khi 23 tuổi (quá tuổi dự SEA Games). Trước đấy, vài lần tôi được triệu tập vào đội tuyển (U19 châu Á 2012, Asiad 2014) nhưng không thành công lắm. Thời điểm ra mắt V-League, tôi không suy nghĩ nhiều tới việc giành suất lên tuyển mà chỉ tập trung cống hiến cho CLB. Bẵng đi vài năm, khi thầy Park gọi điện cho tôi vào giữa năm 2018 để thông báo triệu tập vào đội dự tuyển Olympic đi đá Asiad 2018, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì những nỗ lực trong màu áo Hà Nội đã được ghi nhận, còn lo là bởi không biết mình có đáp ứng được yêu cầu từ ban huấn luyện hay không.
Đỗ Hùng Dũng, sinh năm 1993, quê Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, là thành viên tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Anh trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội, và cùng các đội trẻ của CLB này vô địch giải U19, rồi U21 quốc gia. Hùng Dũng được Hà Nội cho Sài Gòn mượn vào năm 2015, và lập tức giúp đội bóng này lên chơi V-League. Năm 2016, Hùng Dũng trở lại Hà Nội, chiếm suất đá chính, và là trụ cột trong hai chức vô địch V-League gần đây của đội bóng Thủ đô. |
Như thầy Park nói trong buổi họp báo hôm 13/3, mỗi HLV lại có một triết lý và đòi hỏi khác nhau. Dù đã chơi cho Hà Nội tại V-League được ba năm, nhưng lần đầu lên tuyển sau mấy năm xa cách, tôi thấy bỡ ngỡ nhiều. Rất may thầy Park luôn gần gũi học trò, và tạo cho tôi sự tự tin ngày một lớn. Nhớ hồi dự Asiad 2014, tôi mới ngoài 20 tuổi, và chưa có nhiều kinh nghiệm trong tay. Khả năng chuyên môn lúc ấy cũng chưa có gì đảm bảo. Nhưng năm 2018 thì khác, tôi đã tích lũy được số "vốn" nhất định cho bản thân.
Con đường lên tuyển với tôi, chưa phải thế là xong. May mắn được sang Indonesia dự Asiad 2018, nhưng tôi bị gãy ngón chân ở trận cuối vòng bảng gặp Nhật Bản. Thực sự lúc ấy tôi rất buồn, mất đến mấy ngày nghĩ ngợi. Nhưng suy đi tính lại, mình không có cách nào hơn ngoài việc chấp nhận, và coi đó như một điều không may xảy ra. Ban huấn luyện và đồng đội an ủi, động viên tôi nhiều. Trước khi về Việt Nam, thầy Park cũng hứa sẽ tạo cơ hội cho tôi trở lại, có thể ngay ở AFF Cup 2018, nếu tôi sớm bình phục và lấy lại phong độ. Đó có lẽ là một phần lý do giúp tôi có thêm động lực.
- Hùng Dũng luôn nằm trong số những cầu thủ thi đấu nhiều nhất ở V-League trong vài mùa gần đây, nhưng ở trên tuyển, HLV Park Hang-seo sử dụng anh một cách chừng mực. Phải chăng dư âm từ chấn thương cũ vẫn còn?
- Sau khi bị chấn thương, cầu thủ sẽ mất một khoảng thời gian để tìm lại phong độ cao nhất, từ việc quay lại nhịp vận động cũ, lấy lại cảm giác bóng, cho tới chuyện giảm dần độ nhát chân ở những tình huống 50-50. Dù tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh trước khi AFF Cup khởi tranh, thầy Park vẫn lưu tâm và cho tôi trở lại cường độ cao một cách từ từ. Tôi mất vài trận mới thấy "thật chân", và quay lại cảm giác hòa nhập cùng anh em như hồi Asiad. Từ Asiad đến AFF Cup chỉ hơn ba tháng, tôi từng sợ chừng đó là hơi ngắn để lấy lại sự tự tin.
Tiền vệ Hùng Dũng (phải) cùng thủ môn Bùi Tiến Dũng nhận món quà từ tập đoàn Hưng Thịnh ở trụ sở toà soạn VnExpress mới đây. Ảnh: Giang Huy. |
- Ở Hà Nội, tôi chơi cao hơn, gần với khung thành đối phương hơn. Điều này xuất phát từ thực lực và lối chơi của Hà Nội thiên về kiểm soát bóng, tấn công tìm bàn thắng. Còn ở trên tuyển, tôi chơi thấp hơn, ưu tiên nhiệm vụ đánh chặn và phòng ngự từ xa, đồng thời cũng ít lao lên dứt điểm. Thầy Park luôn dặn tôi là phải chơi chắc chắn.
Sự khác biệt lớn nhất nằm ở những đường chuyền của tôi. Tại Hà Nội, những đường chuyền của tôi chủ yếu diễn ra từ giữa sân đến cấm địa đối phương, nhưng chủ yếu là để ngăn đối phương giữ bóng. Nói cách khác, tôi chuyền bóng nhiều ở sân đối thủ là để phòng ngự. Trong khi đó, khi ở tuyển Việt Nam, những đường chuyền của tôi chủ yếu trước hàng phòng ngự đến khoảng giữa sân, và mục tiêu duy nhất là làm sao mang được bóng nhanh nhất tới cho tiền đạo phía trên. Những đường chuyền của tôi lúc này lại mang hơi hướng tấn công, chủ yếu là để chuyển trạng thái một cách nhanh nhất. Tôi luôn cố gắng đưa bóng sớm nhất cho tiền đạo mục tiêu, nếu không, sẽ ưu tiên chuyền cho những vệ tinh xung quanh, thường là Quang Hải hoặc Văn Đức, để giúp đội mình thoát khỏi áp lực bị vây hãm.
- Hùng Dũng nhắc rất nhiều tới việc chuyền bóng khi ở trên sân. Có vẻ anh rất tâm đắc với chuyện này?
- Đây không phải là lối chơi của mình tôi, mà là cách chơi chung của cả CLB Hà Nội. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chiến thắng. Khi có cơ hội ghi bàn, chúng tôi đều suy nghĩ rằng làm thế nào để chắc chắn có bàn thắng. Trong những tình huống 50-50, rõ ràng một đường chuyền bình tĩnh sẽ khó lường hơn.
Tôi nghĩ phong cách chơi của mình bắt nguồn từ tính cách ngoài đời của mình. Tính tôi cẩn thận, đôi khi thiếu quyết đoán một chút. Điều này phần nào khiến tôi không gây được ấn tượng bằng những cầu thủ chăm dứt điểm, nhưng những thành viên trong đội đều ghi nhận đóng góp của tôi. Tất cả đều hiểu tôi làm gì cũng xuất phát từ lợi ích của đội, chứ không có ý gì. Ngược lại, khi có cầu thủ tham sút một chút, không ai chê trách gì. Chúng tôi đều phấn đấu vì cái chung, đều cố gắng tự hoàn thiện bản thân. Việc có thiên hướng chuyền bóng hay dứt điểm còn phụ thuộc vào vị trí trên sân.
- Nhiều đồng đội khen Hùng Dũng chuyên nghiệp trong việc tập luyện và giữ gìn thể lực, thậm chí gọi anh là "Ronaldo của Việt Nam". Hùng Dũng nghĩ sao về chuyện này?
- Tôi luôn đề ra kế hoạch cho bản thân và cố gắng thực hiện bằng được những thứ đã vạch ra. Chẳng hạn hôm thi đấu, tôi sẽ dậy sớm một chút, chạy bộ vài vòng, căng cơ, để cơ thể không rơi vào tình trạng mệt mỏi vào buổi chiều. Hoặc như đợt này đang trong giai đoạn nghỉ ngơi cho đội U22 tập trung, nhưng tôi cũng chỉ nghỉ vài ngày, sau đó trở lại luyện tập để chuẩn bị cho lượt trận thứ ba vòng bảng AFC Cup đầu tháng 4/2019.
Mức độ tập luyện hoặc các bài tập phụ thuộc nhiều vào cơ địa từng người. Thú thực, tôi cũng không có bài tập gì đặc biệt. So với anh em đồng đội, tôi nghĩ mình chăm uống sữa hơn, thường là hai cốc một ngày. Thói quen ấy duy trì được khoảng sáu năm nay. Mấy tháng gần đây, tôi cũng được ban huấn luyện khuyên dùng thêm sâm.
Hùng Dũng (áo đỏ) là người thường xuyên thực hiện những đường chuyền chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công ở tuyển Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng. |
- Có lẽ là như vậy. Thầy Park đặc biệt quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng. Ông luôn dặn dò nhà bếp phải tìm những đồ ăn tốt, giàu năng lượng, dễ tiêu hoá, dù có thể không hợp khẩu vị, cho anh em trong đội. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, tôi nghĩ yếu tố giúp Việt Nam có thể chơi ngang ngửa với những đội hàng đầu châu Á ở Asian Cup 2019 là tinh thần, ý chí. Khi vào sân, có thể cơ thể uể oải một chút, nhưng bằng quyết tâm, mình sẽ vượt qua được.
Thầy Park là một người tinh tế. Ông rất hiểu am hiểu văn hoá, lịch sử cũng như con người Việt Nam. Thầy biết đâu là điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam, và luôn có tìm ra đúng phương pháp để khơi gợi cảm hứng chơi bóng cho học trò, hoặc là bằng những cái vỗ vai, xoa đầu, hoặc bằng những lời dặn dò phải thế này, thế kia trong cuộc sống.
Chúng tôi giao tiếp với thầy bằng tiếng Anh, nhưng chỉ nghe hiểu ở mức độ thông thường. Dù vậy, trong hơn một năm qua, chưa khi nào anh em thấy ngôn ngữ trở thành rào cản với thầy Park. Khi thi đấu trên sân cũng vậy, thầy chuẩn bị rất kỹ từ lúc họp đội, thường là lên sẵn hai hoặc ba kịch bản có thể cho trận đấu. Tuỳ vào diễn biến là mình dẫn trước, cần tấn công, hay phải lùi sâu phòng ngự, thầy chỉ cần ra ký hiệu là tôi cùng đồng đội lập tức hiểu là mình cần phải chơi như nào. Ví dụ như trận gặp Jordan ở vòng 1/8 Asian Cup, Việt Nam bị dẫn 0-1 và chuyển sang sơ đồ 4-1-4-1. Thầy kéo Huy Hùng đá thấp xuống, đẩy tôi và Quang Hải lên chơi cao hơn, giãn rộng đội hình. Việc đổi sơ đồ nằm trong toan tính của thầy, vì khi chuyển vị trí, mọi người trên sân đều từng đảm nhận vai trò ấy ở CLB.
- Có yêu cầu gì đặc biệt từ thầy Park tới tuyến tiền vệ không?
- Ưu tiên số một của thầy là tuyến giữa phải nhanh, nhanh từ trong suy nghĩ, đọc trước tình huống cho đến tranh chấp, và xử lý bước một. Chúng tôi luôn được yêu cầu là phải xử lý bóng trong một hoặc hai chạm là phải đưa được bóng hướng lên phía trên. Đó là điều không dễ và cần mất vài năm để đạt sự nhuần nhuyễn.
- Lối chơi của HLV Park Hang-seo áp dụng cho tuyển Việt Nam luôn đòi hỏi sự ăn ý giữa các cầu thủ. Liệu đó có phải bất lợi cho những giải đấu có ít thời gian chuẩn bị như SEA Games 30?
- Theo tôi, trình độ của các cầu thủ 22, 23 tuổi Việt Nam luôn ở tốp đầu khu vực. Có thể chúng ta kém Thái Lan một chút ở bản lĩnh trận mạc, thua Indonesia một chút ở sự tinh quái, tiểu xảo, nhưng tổng hoà các yếu tố, Việt Nam không sợ đối thủ nào. Tôi đã xem các em ở đội dự tuyển U22 thi đấu, và thấy họ rất bản lĩnh. Đó có lẽ là sự khác biệt giữa đội dự tuyển U22 bây giờ với đội U22 vừa đá giải Đông Nam Á ở Campuchia. Đội hiện tại có gần một nửa quân số từng chinh chiến V-League, còn đội đá ở Campuchia chỉ có một, hai người. Chỉ cần đá V-League một mùa thôi, cầu thủ cũng có thu hoạch rất lớn.
Giới cầu thủ vẫn nói với nhau, là đá V-League, độ ăn thua "máu" hơn hẳn so với đá giải trẻ. Chưa kể, khi đá V-League, anh em cầu thủ nội còn phải đấu với những cầu thủ ngoại có thể lực, thể hình vượt trội. Những cầu thủ trẻ buộc phải trưởng thành nhanh chóng, và tự mỗi người phải tìm cách thích ứng với khó khăn. Đó là những thứ không bao giờ có ở giải trẻ. Tốc độ trận đấu ở V-League cũng cao hơn, buộc cầu thủ phải xử lý bóng nhanh, gọn gàng hơn. Tôi biết có những cầu thủ mất đến nửa mùa đầu tiên để làm quen với không khí V-League, nhưng khi vượt được qua rồi, họ sẽ tự tin và không còn cảm giác ngợp khi đá những trận quốc tế.
Vài năm gần đây, Việt Nam không còn tập trung đội tuyển dài ngày để đi đá giải nữa. Những khó khăn chúng ta gặp thì đối thủ cũng phải giải quyết. Tôi nghĩ, vấn đề nằm ở kế hoạch chung và sự chuẩn bị của từng cầu thủ. Nếu mỗi người tự làm mình tốt hơn, đội tuyển đương nhiên sẽ mạnh hơn.
- Quan điểm của Hùng Dũng về tấm HC vàng bóng đá nam SEA Games như nào?
- SEA Games có ý nghĩa tinh thần lớn với người hâm mộ Việt Nam, bởi chúng ta đã chờ đợi tấm HC vàng bóng đá nam hàng chục năm. Nếu giành được, đó sẽ là tiền đề tốt để một cầu thủ bắt đầu sự nghiệp bóng đá. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một giải đấu trẻ. Không thể dựa vào thành tích ở SEA Games để đánh giá một nền bóng đá, nhất là khi thầy Park cùng đội tuyển Việt Nam đã thành công ở tầm châu Á.
Điểm giống duy nhất trước khi bước vào SEA Games 30 và AFF Cup 2018 là áp lực. So với 10 năm chưa vô địch AFF Cup, áp lực dành cho các em U22 giờ còn lớn hơn. Sau khi đá hai ngày một trận ở vòng bảng, các em sẽ đá 90 phút bán kết, rồi sút luân lưu luôn. Với lịch thi đấu như vậy, áp lực càng trở nên nặng nề vì nó không cho phép mắc sai lầm.
Đoạt HC vàng SEA Games có thể xem là bước đệm cho cầu thủ tới thành công, nhưng không nhiều. Năm ngoái, Việt Nam vô địch AFF Cup nhưng sự thay đổi với mỗi cầu thủ không rõ nét như khi Việt Nam vào chung kết U23 châu Á hồi đầu năm, hay vào tứ kết Asian Cup 2019. Tầm nhìn của bóng đá Việt Nam giờ là ra ngoài châu lục, là chúng ta sẽ thể hiện như nào khi đọ sức với những đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc. SEA Games vẫn chỉ thuộc Đông Nam Á. Nếu đoạt HC vàng, hiệu ứng có thể đến với một vài cầu thủ lần đầu thi đấu quốc tế, còn với Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu..., những người đã thành danh, tôi tin là mọi thứ vẫn giữ nguyên.
Tôi không dự SEA Games lần nào, nhưng từng được nghe những anh lớn trong đội Hà Nội như Thành Lương, Văn Quyết kể về chuyện thi đấu ở giải này. Các anh đều nói áp lực và kỳ vọng từ khán giả lên đội tuyển rất lớn. Mạng xã hội giờ bùng nổ, và chỉ cần một pha bóng không như ý trên sân có thể thay đổi hoàn toàn một cuộc đời cầu thủ. Nó sẽ khiến anh em cầu thủ phần nào đó e ngại, bởi chỉ một pha hỏng ăn khi sút vào xà ngang, cột dọc thôi, họ sẽ bị đánh giá là kém, không còn cơ hội phát triển.
Rất nhiều áp lực và thử thách như vậy, nhưng là cầu thủ, tôi vẫn muốn một lần dự SEA Games. Bóng đá không thể thiếu áp lực. Thầy Park còn chịu áp lực kinh khủng hơn anh em cầu thủ nhiều. Đã làm nghề này, chúng tôi phải làm quen, thậm chí phải thích áp lực, và coi đấy là cơ hội để trưởng thành. Ai vượt qua được sẽ thành ngôi sao, sẽ được ca ngợi và giành nhiều thứ. Còn ai không vượt qua cũng nên coi là bài học để ít nhất một lần biết mình từng sai ở đâu.
Chiều 14/3, tại trụ sở FPT Online, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh - Hung Thinh Corp đã gặp gỡ và trao phần thưởng tiền mặt trị giá 2,5 tỷ đồng cho đội tuyển Việt Nam. Trong đó, 2 tỷ đồng dành cho tập thể đội bóng và 500 triệu đồng dành riêng cho HLV Park Hang-seo. Ông Nguyễn Văn Cường - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh - cho biết doanh nghiệp sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho đội tuyển nếu đạt thành tích tốt trong các giải đấu sắp tới. |