Do lỗi liên quan tới hệ thống túi khí, gần 3.000 xe Toyota Vios và Corolla Altis bị triệu hồi lần hai

Đây là lần thứ hai cả hai mẫu xe này bị triệu hồi do các vấn đề liên quan tới túi khí. Dù Toyota Vios và Corolla Altis là bộ đôi sedan bán chạy nhất Việt Nam trong thời gian qua.

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Toyota Việt Nam sẽ triệu hồi hai dòng xe Toyota Vios và Corolla Altis bắt đầu từ ngày 1/8.

Có 2.700 xe liên quan trong đợt triệu hồi lần này. Trong đó, 2.568 xe Vios xuất xưởng trong khoảng thời gian từ 13/9/2007 đến 31/12/2008 và 145 xe Corolla Altis xuất xưởng từ ngày 2/11/2004 - 28/5/2005.

Cả hai mẫu xe đều được Toyota lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc và bán ra tại thị trường Việt Nam.

Nguyên nhân được chỉ ra là do lỗi liên quan tới hệ thống túi khí phía trước ghế hành khách.

Gần 3.000 xe Toyota Vios và Corolla Altis bị triệu hồi lần 2 do lỗi liên quan tới hệ thống túi khí - Ảnh 1.

Lỗi túi khí Takata. (Ảnh: Fortune).

Năm 2015, Toyota đã tiến hành triệu hồi số xe này để thay thế bằng cụm bơm túi khí mới theo chương trình triệu hồi gồm 4.000 xe.

Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, hơn 2.700 xe kể trên vẫn được thay thế bằng loại túi khí cũ do Takata cung cấp. Trong khi các xe còn lại được thay thế túi khí mới do Daicel sản xuất. Do đó, đợt triệu hồi lần này là để Toyota tiếp tục thay thế túi khí lỗi trên hai dòng xe Vios và Corolla Altis.

Toyota Việt Nam sẽ phối hợp với hệ thống đại lí, trạm dịch vụ uỷ quyền thông báo tới người dùng hai mẫu xe thuộc diện ảnh hưởng, sau đó kiểm tra, thay thế miễn phí cụm bơm túi khí phía trước ghế hành khách.

Đợt triệu hồi này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 1/8/2020 - 1/8/2022.

Toyota Vios và Toyota Corolla Altis hiện đang là hai mẫu ô tô bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2019, Toyota Vios đứng đầu thị trường ô tô, với tổng lượng tiêu thụ đạt 27.000 chiếc và tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong nửa đầu năm nay với hơn 11.000 xe bán ra. Trong khi đó Corolla Altis đạt doanh số 4.000 xe trong năm 2019 và 950 xe trong 6 tháng đầu năm 2020.

Lỗi túi khí Takata nguy hiểm thế nào?

Theo thống kê của Cục quản lí đường cao tốc & An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đến nay trên toàn thế giới đã có 23 vụ tai nạn chết người, gần 300 người bị thương và hàng trăm triệu ô tô của hơn 19 hãng bị triệu hồi do lỗi túi khí Takata gây ra.

Lỗi túi khí này xuất hiện trên những mẫu xe được sản xuất từ năm 2002-2015, có trang bị túi khí được cung cấp bởi Takata, nhà cung cấp phụ tùng lớn thứ hai trong ngành ô tô thế giới.

Những túi khí này có thể phát nổ, gây thương tích hoặc thậm chí giết chết người ngồi trong xe. Đã có hàng trăm triệu chiếc xe trên thế giới bị thu hồi do lỗi này mà NHTSA gọi là "Vụ thu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử".

Theo đó, với những xe bị dính lỗi túi khí, khi xảy ra tai nạn, hệ thống túi khí được kích hoạt, khí trơ được giải phóng có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, khiến cho các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí, gây nguy hiểm cho người lái.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề được xác định là do túi khí sử dụng nhiên liệu dựa trên amoni nitrat mà không có chất làm khô hóa học, theo thời gian sẽ bị giảm chất lượng do nhiệt độ và hơi ẩm xâm nhập, dẫn đến tình trạng trên.

Đến hết năm 2018, theo thống kê đã có hơn 41,6 triệu xe tại Mỹ bị triệu hồi liên quan tới vấn đề này. Hàng triệu phương tiện đã bị NHTSA cấm lưu thông.

Ngày 28/2/2017, Takata thừa nhận đã lừa dối các nhà sản xuất ôtô về sự an toàn túi khí do hãng này cung cấp, chấp nhận mức phạt hơn một tỉ đôla của NHTSA trong đó dự kiến 25 triệu USD cho tội hình sự và 850 triệu USD để bồi thường cho các nhà sản xuất.

Kể từ tháng 1/2018, NHTSA cho biết, tình trạng thiếu hụt túi khí thay thế đã giảm đáng kể. Trong thời gian đầu, chủ sở hữu những chiếc xe dính lỗi phải mất vài tuần hoặc vài tháng để có thể được thay linh kiện mới. Tuy nhiên, sau đó Takata đã tăng cường thêm dây chuyền lắp ráp mới, có khả năng sản xuất hơn một triệu bộ túi khí mỗi tháng.

Mặc dù vậy, với qui mô và số lượng xe bị ảnh hưởng quá lớn, các chuyên gia nhận định rằng phải mất nhiều năm liền các nhà sản xuất mới có thể thay thế toàn bộ túi khí ở tất cả các phương tiện trên toàn cầu.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.