Doanh nghiệp BĐS huy động vốn chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch

Đợt dịch bùng phát đợt này kéo dài nhiều tháng liền khiến nhiều doanh nghiệp trên thị trường rơi vào cảnh "sống mòn". Bên cạnh những doanh nghiệp chấp nhận rời khỏi cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp cũng đang xoay xở bài toán dòng tiền và lên kế hoạch huy động vốn chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch thông qua chào bán cổ phiếu, trái phiếu,...
 - Ảnh 1.

. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã bị động hơn một quý qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu tháng 4, nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở phía Nam.

Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao tài chính của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL), "các doanh nghiệp phải gồng mình chạy hết công suất vào ba tháng cuối năm để bù cho những tháng lỡ nhịp trước đó.

Nhìn chung, có thể doanh nghiệp bị hụt kế hoạch kinh doanh nhưng doanh nghiệp cũng chuẩn bị kế hoạch tung ra sản phẩm mới, kế hoạch tài chính,… để chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 này, cũng như tìm kiếm cơ hội mới từ thị trường trong quý cuối năm để làm bàn đạp cho năm sau".

Thực tế thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố kế hoạch huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhằm phục vụ việc khởi động lại sau dịch.

Đơn cử như CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) có kế hoạch phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 33.500 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

Với nguồn vốn hơn 2.200 tỷ đồng dự kiến huy động được, Nam Long sẽ mở rộng quỹ đất thông qua việc chi 200 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con, qua đó nhận chuyển nhượng dự án PG Hải Phòng và đầu tư dự án Akari.

Bên cạnh đó, sau thông tin hợp tác với đối tác Nhật là Hankyu Hanshin Properties Corp phát triển dự án Izumi City (170 ha tại Đồng Nai), Nam Long vừa công bố kế hoạch huy động 950 tỷ đồng trái phiếu tín chấp, dự kiến được thực hiện trong quý III để thanh toán tiền nhận chuyển nhượng 30% dự án này trước đó. Những sản phẩm đầu tiên của dự án Izumi sẽ được ra mắt vào cuối quý III.

Các doanh nghiệp phải gồng mình chạy hết công suất vào ba tháng cuối năm để bù cho những tháng lỡ nhịp trước đó.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao tài chính Novaland

Trong giai đoạn giãn cách vốn có nhiều khó khăn cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, thế nhưng Novaland đã liên tục chào bán hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu, đồng thời bảo lãnh cho các doanh nghiệp có liên quan cùng phát hành để bổ sung vốn cho các dự án đang triển khai.

Song song đó, doanh nghiệp đã hoàn tất niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế vào đầu tháng 7. Lần gần đây nhất, Novaland công bố NovaGroup sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Trước đó ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ, Novaland đã chuẩn bị kế hoạch rất chi tiết cho ba tháng cuối năm, bao gồm kế hoạch tài chính để bù lại những tháng trong giai đoạn giãn cách.

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) cũng có kế hoạch khởi công hàng loạt dự án trong quý IV như: Khu nhà ở Lam Hạ Center Point (tổng mức đầu tư 1.565 tỷ đồng ở Hà Nam); Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2 (2.500 tỷ đồng, Vũng Tàu); Khu đô thị du lịch Long Tân (12.618 tỷ đồng, Đồng Nai); Khách sạn Vị Thanh (hơn 254 tỷ đồng; Hậu Giang);…

Trong đó, doanh nghiệp đang làm việc với một số tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn vốn triển khai dự án. Theo kế hoạch năm nay, DIC Corp cần huy động hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn vay và phát hành trái phiếu để thực hiện nhiều dự án.

Trước đó vào cuối tháng 5, DIC Corp cho biết sẽ chào bán riêng lẻ 75 triệu cp với giá 20.000 đồng/cp, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư Khu đô thị Bắc Vũng Bàu.

Theo kế hoạch được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra vào tháng 3, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) sẽ chào bán 83 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu trong hai quý cuối năm nay. Tính đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa triển khai phương án này.

Với hơn 800 tỷ đồng dự kiến huy động được, An Gia sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản. Hiện nay, An Gia đang triển khai các dự án như Sky89, The Sóng, The Westgate, The Standard,… và sắp tới sẽ phát triển thêm dự án The Gió tại Đồng Nai.

Dự kiến trong năm nay, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) sẽ phát hành riêng lẻ 200 triệu cp để phát triển, mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động của công ty.

Tính đến hiện tại, Đất Xanh đang phát triển khoảng 25 dự án 9 tỉnh, thành với tổng quỹ đất hơn 2.295 ha và tổng giá trị đầu tư 118.087 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch bổ sung thêm 3-5 dự án có quy mô lợi nhuận 3.000-5.000 tỷ đồng mỗi dự án đến năm 2023 và triển khai, khai thác các dự án khu đô thị với quy mô 100-200 ha/dự án tại các khu đô thị loại I và loại II đến năm 2025.

Đất Xanh cũng đang chuẩn bị thủ tục niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế nhằm bổ sung vốn vào công ty con CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An - chủ đầu tư dự án Gem Sky World (Long Thành, Đồng Nai).

Mới đây nhất, HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, Mã: CRE) đã thông qua kế hoạch chào bán hơn 91 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.

Công ty sẽ dùng 400 tỷ nhận chuyển nhượng một phần các sản phẩm BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Hợp tác xã Thành Công; 400 tỷ đồng để trả nợ vay cho các hợp đồng nhận chuyển nhượng sản phẩm BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai của Khu đô thị Hoàng Văn Thụ; gần 112 tỷ đồng còn lại để trả nợ vay ngân hàng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Hưng Thịnh Land, Tân Hoàng Minh, nhóm TNG Holdings Vietnam, BCG Land, BĐS Tiến Phước,… cũng tích cực lên kế hoạch phát hành trái phiếu để phát triển dự án.

Đợt dịch bùng phát đợt này kéo dài nhiều tháng liền khiến nhiều doanh nghiệp trên thị trường rơi vào cảnh "sống mòn". Bên cạnh những doanh nghiệp chấp nhận rời khỏi cuộc chơi, không ít doanh nghiệp cũng đang chật vật, xoay xở bài toán dòng tiền cho hiện tại và sau khi dịch được kiểm soát.

Đặc biệt trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng ngày càng khó khăn như hiện nay, việc chào bán riêng lẻ cổ phiếu, trái phiếu,... dường như là phương án tối ưu để các doanh nghiệp huy động vốn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.